Sự kiện giáo dụcTin tức

Doanh nghiệp xăng dầu hứa giảm giá bán

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tăng thuế nhập khẩu lên 10% hay giảm giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu là kịch bản mà Liên bộ Tài chính – Công Thương đang cân nhắc và áp dụng vào thời điểm sớm nhất. Các doanh nghiệp đang chờ quyết định này để điều chỉnh giá bán.

Sốt ruột nhìn giá dầu thuế giới giảm khá mạnh xuống dưới 80 đôla một thùng mà vẫn chưa thấy doanh nghiệp động tĩnh, các chuyên gia tài chính bắt đầu ngồi tính toán. Hai phương án được cân nhắc là: Tăng thuế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng xăng và dầu từ 5% lên 10% hoặc tiếp tục "thúc" doanh nghiệp giảm giá bán lẻ ít nhất 500 đồng nữa.

Theo tiết lộ của một quan chức Bộ Tài chính, phương án tăng thuế lên 10% đã được quyết và có thể sẽ áp dụng ngay giữa tuần này. Trên cơ sở đó, sau khi vào thuế, doanh nghiệp sẽ tính toán các khoản lỗ lãi, chi phí giá nhập khẩu giá vốn… để điều chỉnh giá bán lẻ cho phù hợp.

Tuy nhiên, đến chiều 13/10, chưa có doanh nghiệp nào đề cập đến phương án giảm giá.

Trao đổi với chúng tôi, Phó tổng giám đốc Petrolimex – Vương Thái Dũng khẳng định: "Việc điều chỉnh giá bán lẻ chắc chắn chúng tôi sẽ làm và đi tiên phong trước các doanh nghiệp khác. Vấn đề là chúng tôi còn chờ biểu thuế nhập khẩu mới để tính toán phương án giá cho phù hợp với tình hình thị trường".

Người tiêu dùng đòi hỏi được hưởng giá theo đúng xu hướng thị trường. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Dũng cho hay, thời gian qua, ngân sách Nhà nước liên tục phải dốc hàng nghìn tỷ đồng ra để bù lỗ cho giá xăng dầu, nên quan điểm của Petrolimex là ủng hộ phương án tăng thuế và mức 10% là hợp lý.

Theo ông, việc giá dầu thế giới giảm là tín hiệu đáng mừng và người tiêu dùng có quyền đòi hỏi được hưởng giá bán thấp hơn. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm cho các doanh nghiệp đầu mối khi lượng hàng tồn trong kho còn nhiều, họ vẫn chưa tiếp cận được với nguồn xăng giá rẻ. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nguồn dự trữ trong thời gian 20 ngày và như vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ cũng phải được tính toán dựa trên giá thế giới trong khoảng thời gian tương đương.

Một lý do nữa theo ông Dũng là các doanh nghiệp phải cân nhắc các khoản lỗ lãi để điều chỉnh cho phù hợp. Tính từ đầu năm đến nay, riêng mặt hàng xăng Petrolimex đã lỗ 1.600 tỷ đồng, chưa kể 200 tỷ đồng lỗ tích từ năm 2007.

Dù vậy, ông Vương Thái Dũng cũng khẳng định: "Chúng tôi sẽ điều chỉnh bán lẻ trong thời gian sớm nhất có thể". Petrolimex đang xây dựng kế hoạch giảm giá bán, chỉ còn chờ biểu thuế mới, sẽ đăng ký với liên bộ để thực hiện ngay.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp đầu mối như Công ty Xăng dầu Quân đội, Petex cho rằng họ chờ động thái của người anh cả – Petrolimex trước khi đưa ra các phương án điều chỉnh.

Trong khi các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý đang tính toán phương án tăng thuế hay giảm giá thì các phiên giao dịch sáng nay tại thị trường New York, giá dầu tiếp tục dao động trong mức thấp nhất trong vòng một năm qua dưới 80 đôla một thùng. Tại thị trường Singapore – nơi cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho các doanh nghiệp VN – giá xăng dầu thành phẩm cũng tiếp tục hạ nhiệt. Theo tính toán, với giá nhập khẩu này, sau khi trừ đi các khoản chi phí, cước vận chuyển, thuế, phí lưu thông, kho bãi… nếu doanh nghiệp nhập hàng về đúng thời điểm này có thể lãi khoảng 3.000 đồng mỗi lít.

Nhiều dự báo cho thấy cùng với cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu sử dụng khí đốt đang giảm dần thì giá dầu thế giới còn hạ nhiệt trong thời gian tới. Khi nào người tiêu dùng được hưởng giá bán theo đúng nghĩa thị trường có lên có xuống vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.

Hồng Anh (Theo VNE)

Bình luận (0)