Giá xuất khẩu thành phẩm cá tra liên tục giảm trong khi chi phí sản xuất chưa đủ để lấy thu bù chi, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao.
Định hướng giá sàn đã được đặt ra như một giải pháp, nhưng theo các chuyên gia, việc thiết lập giá sàn và quản lý giá sàn ra sao để nâng giá trị xuất khẩu mới là bài toán khó.Trong khi đó, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, sản lượng thu hoạch cá tra vào năm 2011 sẽ giảm khoảng 30%.
Đau đầu vì giá, lỗi tại ai?
Ngành xuất khẩu cá tra trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện hàng loạt nhà máy chế biến cùng với sự gia tăng đáng kể trong nuôi trồng. Xuất khẩu cá tra đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, chiếm trên 30% tỷ trọng xuất khẩu.
Xuất khẩu cá tra trước cơ hội đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD – Ảnh: Quý Hòa |
Tuy nhiên, khi đạt đến con số 600.000 tấn cá xuất khẩu thì đồng thời bắt đầu phát sinh vấn đề mất cân đối cung – cầu, dẫn đến tình trạng tranh bán gay gắt, tranh giành thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành cá.
Đây là năm thứ ba liên tiếp người nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long bị lỗ. Theo ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban Cá nước ngọt thuộc VASEP, các DN chế biến, xuất khẩu cá tra đang trong tình trạng mạnh ai nấy bán, cạnh tranh thị phần bằng cách giảm giá để lôi kéo khách.
Chính điều này dẫn đến giá xuất trung bình liên tục giảm trong điều kiện giá thành nuôi tăng, khiến nhiều hộ nuôi cá bỏ ao, gây thiếu hụt nguyên liệu. Việc giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm sẽ gây lo ngại cho ngành công nghiệp nội địa tại nước nhập khẩu và tạo sơ hở cho các nước nhập khẩu tiến hành các chiến dịch kiện chống bán phá giá.
Giá cá tra xuất khẩu không ổn định và luôn có xu hướng sụt giảm trong thời gian rất ngắn cũng khiến các nhà nhập khẩu rất ngại vì khó có lợi nhuận và nguy cơ rủi ro trong kinh doanh lớn. Tình trạng này trước đây diễn ra chủ yếu ở thị trường châu Âu, giờ lan sang cả thị trường Trung Đông và Ai Cập.
Theo VASEP, từ đầu năm, giá cá tra nguyên liệu thịt trắng tại ao trung bình trong tháng luôn dao động ở mức 16.000 – 16.500 đồng/kg. Đến thời điểm này, giá cá tra nguyên liệu đã lên đến 18.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu tích cực để các DN đồng loạt tăng giá xuất khẩu chào bán nhằm tạo giá trị cao hơn cho cá tra trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, lợi nhuận của người nuôi không cao, do giá thức ăn cũng tăng từ 500 – 2.000 đ/kg và còn lệ thuộc vào các công ty sản xuất thức ăn nước ngoài. Có thể nói đây là một trở lực đối với thị trường cá tra.
Khó có thể giải quyết vấn đề khi không biết lỗi này thuộc về ai. Tuy nhiên, nhìn chung, sự chơi không đẹp của một số DN trong ngành đã dẫn đến tình trạng “gậy ông đập lưng ông”.
Mở lối cho thị trường xuất khẩu cá tra
Giá trung bình cá tra xuất khẩu và giá cá nguyên liệu trong nước thời gian gần đây đang tăng dần trong bối cảnh nguồn cung đến năm 2011 giảm khá mạnh sẽ là cơ hội để xuất khẩu cá tra đạt trị giá 1,5 tỷ USD và cơ cấu lại cho phát triển trong dài hạn.
Mới đây, tại hội nghị DN xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2010 do VASEP tổ chức, đã tiến hành lấy ý kiến đồng thuận về việc đưa ra một trong bốn giải pháp lớn cho thị trường xuất khẩu cá tra. Trong đó, vị trí đầu tiên là giải pháp về giá sàn xuất khẩu.
Đại diện phía DN, ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), cho biết, việc tăng giá sàn xuất khẩu nên do các DN chủ động và phải có sự đồng nhất giữa các DN, trong đó phải kể đến giải pháp đồng bộ cung cầu.
Qua đó nên lập riêng giá sàn thu mua nguyên liệu ngay thời điểm này để có thể nâng giá mua cho người nuôi và cũng có thể giải phóng lượng tồn kho cho các DN, tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước.
Theo dự kiến của VASEP, giá sàn được thiết lập đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi để tiếp tục tái đầu tư. Thời gian áp dụng giá sàn đề nghị bắt đầu từ năm 2011, trước mắt áp dụng cho mặt hàng cá tra fillet đối với các nhóm thị trường EU, Mỹ và Trung Đông (gồm Ai Cập) và sử dụng số liệu thống kê hằng tháng của hải quan Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Hội Đánh cá và Nuôi trồng thủy sản, việc định hướng giá sàn cần do chính DN đáng tin cậy hay cơ quan quản lý đảm nhận. Nếu không có sự chọn lọc thì sẽ xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, DN lớn ép DN bé.
Thứ đến là ổn định sản lượng nguyên liệu, đảm bảo cung – cầu, mặc dù nhiều DN đã đầu tư nuôi cá nhằm chủ động nguồn nguyên liệu nhưng cũng chỉ cung cấp cao nhất 50% cho nhu cầu sản xuất, và tình trạng người nuôi đang dần bỏ ao cá sẽ là một thách thức lớn cho ngành cá tra Việt Nam về nguyên liệu.
Bên cạnh đó còn có giải pháp tăng cường quản lý chất lượng về nhãn mác, tên gọi, tỷ lệ mạ băng và các biện pháp tăng trọng. Đồng thời quy định chất lượng đối với các công ty thương mại.
Và cuối cùng là đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cá tra Việt Nam, dự kiến sẽ vận động và tích lũy nguồn quỹ hơn 700.000USD cho hoạt động tiếp thị tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông cũng như ngăn chặn các hoạt động tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu cá tra.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, nếu thực hiện được bốn giải pháp nêu trên thì rất tốt, thế nhưng với thực trạng trước mắt, nhiều DN trong ngành cá lại không thể chủ động trong khâu xuất khẩu, mà phụ thuộc vào một số chủ vựa là kiều bào tại nước ngoài để xuất khẩu cá, dẫn đến tình trạng bán chịu quá nhiều.
Cần xây dựng giá sàn cá nguyên liệu và cá xuất khẩu. Giá sàn cá xuất khẩu nên theo từng khu vực thị trường, không nên tính riêng cho từng nước. Nếu chúng ta nâng được giá cá xuất khẩu lên thì sẽ không còn lo kiện chống bán phá giá nữa. Thứ trưởng khuyến cáo, các DN nên hạn chế việc bán chịu để tạo tính chủ động về cho DN.
PHAN LÊ / DNSG
Bình luận (0)