Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu điều: Lại khổ vì… phí của hãng tàu!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chưa hết choáng váng vì các thủ tục kiểm tra ngặt nghèo về kiểm dịch an toàn thực phẩm; vừa mới kêu cứu bởi… “dịch” trộm hàng trong container. Nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nhân điều VN lại tiếp tục… kêu khổ, vì hàng loạt các loại phí do các hãng tàu vận tải hàng áp đặt. Trong khi đó, chưa một cơ quan chức năng thấu hiểu, can thiệp, để các DN… dễ thở hơn.

9 loại phí đè mỗi container hàng

Doanh nghiệp phải gánh chịu 9 loại phí/1 container qua cảng biển. Ảnh: C.H

Vận tải hàng hóa bằng đường biển vẫn là lựa chọn hàng đầu của các DN xuất khẩu. Có lẽ vậy mà lâu nay, hầu hết các hãng tàu vận tải bằng đường biển đã trở nên… kênh kiệu. Theo phản ánh của các DN, chủ tàu đưa ra nhiều loại phí bất hợp lý, đẩy thua thiệt về phía các DN xuất – nhập khẩu. Trong đó, hàng loạt DN xuất khẩu hạt điều mới đây đã phải lên tiếng kêu khổ vì các loại phí. Theo ông Nguyễn Văn Lãng – chủ một DN chuyên xuất khẩu nhân điều: “Chưa bao giờ, các DN xuất khẩu nhân điều phải è cổ gánh nhiều loại phí như bây giờ. Mỗi container hàng xuất khẩu điều hiện phải chịu trên lưng tới… 9 loại phí vận chuyển”.

Thật vậy, tính từ tháng 5.2011 trở lại đây, các DN xuất khẩu điều phải chịu tới 9 loại phí từ các hãng tàu đưa ra như: Phụ phí xăng dầu (EBS) từ 50 – 100USD/cont, phụ phí đảm bảo container (EMS) 50 – 100USD/cont, phí truyền dữ liệu 20 – 40USD/cont, phí sửa chữa – vệ sinh – tiền đặt cọc container… 50 – 100USD/cont, phí lưu bãi 20 – 40USD/cont, phụ phí chuyển vỏ rỗng (CISD, mất cân bằng container) 30USD/cont, phí chứng từ (D/O) 33USD/cont, phụ phí xếp dỡ hàng (THC) 120 – 130USD/cont và phí thanh toán trễ 20 – 30USD/cont.

Tăng phí và nhiều… phi lý?

Việc các hãng tàu như: MAESK, CMA, CGM, ANL & DELMAS, Hapag – Lloyd, Sài Gòn Ship… ra hàng loạt loại phí đè nặng lên các DN xuất khẩu nhân điều, đã khiến không ít DN lâm cảnh khốn đốn. Bên cạnh đó, các hãng còn nhân tiện đưa ra phí mới và tăng phí một số loại phí khác, càng đẩy các DN trên thêm… bi đát hơn. Trong đó, có những loại phụ phí cũ như : B/L, D/O, THC, phí seal đều đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Phụ phí xăng dầu, phụ phí CISD và phí thanh toán trễ mới được các hãng tàu đưa ra trong năm 2011. Phí D/O và phí THC thì được tăng thêm 15 – 20%. Chưa hết, các DN còn cho biết, các hãng tàu còn… đe sẽ thu thêm các loại phí mới như: EBS cho hàng đi Châu Á, ENS cho hàng đi Châu Âu, phí truyền dữ liệu TELEX…

Đặc biệt, với việc thu phụ phí đảm bảo container EMS, các hãng tàu thu của các DN nhập khẩu mà không trả lại giống như phí đặt cọc container trước đây, càng khiến không ít DN vô cùng bất bình. Ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas) – giải thích: “Khi các lô hàng nhập khẩu điều thô thông thường các hãng tàu tạm thu tiền cược container, trước khi giao lệnh lấy hàng cho nhà nhập khẩu, khoảng 600.000 – 1.000.000 đồng/cont 20’’, tùy hãng tàu. Sau khi nhà nhập khẩu lấy hàng xong trả container rỗng lại cho hãng tàu. Nếu container không bị lỗi hay hư hỏng, hãng tàu sẽ trả lại tiền cược container này. Trường hợp container sửa chữa vượt quá tiền cược, nhà nhập khẩu phải nộp thêm tiền. Nhưng hiện nay, dù container có không bị lỗi hay không hư hỏng, chủ tàu cũng… biển thủ luôn khoản phí trên mà DN không cách gì đòi lại được”. Thêm một bất hợp lý khác: Có hãng tàu đã thu thêm phụ phí mất cân bằng container CISD (hay “chuyển vỏ rỗng”) với mức phí 30USD/cont 20’’ và 40’’, kể từ tháng 6.2011, chỉ vì đảm bảo tải trọng trong các chuyến hàng 2 chiều của hãng.

Gần đây, nhằm chia sẻ với các DN đang kêu khổ vì phí, Vinacas đã có văn bản gửi Bộ Công thương và Hiệp hội chủ hàng VN. Qua đó, Vinacas kiến nghị các cơ quan này đàm phán với Hiệp hội chủ tàu Châu Á (IADA), buộc các chủ hãng tàu phải minh bạch hóa các khoản phí nói trên.

Cao Nguyễn Đông Anh
Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)