Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu: Lo “rào cản” từ trong ra ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Thế nhưng, hầu như chỉ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu ổn định, còn khu vực kinh tế trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm. Mặc dù hy vọng những hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên tham gia đàm phán có thể được ký kết trong năm nay sẽ mở thêm cơ hội thị trường, nhưng DN không khỏi lo lắng về rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều, chính sách biến động khó lường ở những thị trường xuất khẩu.

Tỷ trọng xuất khẩu kém dần

Con số kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước tăng đều tính từ năm 2012 đến nay phần lớn tập trung vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu: năm 2011 chiếm 56,9% và tăng 41%; năm 2012 chiếm 63,1% và tăng 31,1%; năm 2013 chiếm 61,4% và tăng 22,4%; 8 tháng đầu năm 2014 chiếm 67,3% và tăng 15,5%.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các DN FDI có thị trường xuất khẩu ổn định nhờ vào uy tín thương hiệu và mạng lưới công ty mẹ rộng khắp thế giới, có thể tận dụng cơ hội, còn phần lớn các DN Việt Nam xuất khẩu qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.

Qua cuộc khảo sát phản ánh từ các hiệp hội DN, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) ghi nhận hai nhóm hàng luôn đạt kim ngạch cao là điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện hầu như do DN FDI xuất khẩu. Các ngành nằm trong tốp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và DN Việt Nam tham gia sản xuất nhiều như dệt may, da giày – túi xách, đồ gỗ thì DN FDI cũng có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm cao hơn nhiều so với DN trong nước.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM cho biết, DN FDI chiếm gần 77% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày. Năm nay, các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma tăng cường mở rộng và rút chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh vào Việt Nam, tỷ lệ dịch chuyển khoảng 25% so với năm trước, càng làm cho tỷ trọng xuất khẩu da giày của khu vực FDI tăng thêm.

Ở ngành đồ gỗ, DN FDI chiếm 16% tổng số DN nhưng lại có giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 50%. Các DN dệt may cũng tâm tư mãi chuyện nằm trong phần nhỏ nhất của chuỗi cung ứng vì gia công là chủ yếu, do vậy khả năng khống chế thị trường rất yếu.

Có vẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, DN trong nước còn chiếm được ưu thế. Đáng vui nhất là ngành hồ tiêu. Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết cách đây 10 năm, Việt Nam không có tên trên bản đồ xuất khẩu tiêu của thế giới, giờ vươn lên dẫn đầu, bỏ xa đối thủ. Nắm thị phần chi phối, Việt Nam đã gần như quyết định được giá tiêu trên thị trường thế giới, trong đó DN trong nước tham gia xuất khẩu là chính.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Lo mở thị trường mới

Mặc dù hy vọng những thị trường truyền thống tiếp tục giữ được tăng trưởng tốt trong những năm tới và có thể mở thêm được một số thị trường mới để tăng khả năng xuất khẩu từ những hiệp định thương mại mà Việt Nam sẽ tham gia (TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan…), nhưng các DN không khỏi lo lắng về rào cản kỹ thuật từ các thị trường dựng lên ngày càng nhiều, chính sách biến động khó lường ở những thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) băn khoăn, Nhật là thị trường xuất khẩu khá tốt của các DN trong Satra nhưng gần đây, phía Nhật vẫn tiếp tục tăng thêm danh mục những loại nông dược không được đưa vào thị trường này. Để đối phó, các DN thu mua nông sản của nông dân vào năm 2013 để tồn trữ làm hàng xuất khẩu đã dựa theo đúng những tiêu chuẩn Nhật yêu cầu để thu mua. Nhưng sang năm 2014 thì lại thêm những loại nông dược mới bị kiểm soát, DN không thể lường trước được nên một số hàng đã thu mua thì lại không xuất được.

Thủy sản vào thị trường Nhật cũng gặp tình trạng mỗi năm lại thêm những rào cản mới. Xuất khẩu cá tra vào các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cũng đối phó với chính sách nhập khẩu không ổn định, hay áp dụng luật mới, cấm tạm thời nhập khẩu không cho biết hạn định, rồi lại dở bỏ quy định không cần báo trước, nên DN thường bị động,…

Trước tình hình này, ông Trần Thành Nam cho biết, Satra đang mở thị trường mới cho một số mặt hàng như đã xuất sang Hàn Quốc được củi trấu, đồng thời mở hướng xuất thêm thủy hải sản sang Úc. Theo ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hội Dệt may thêu đan TPHCM, DN dệt may đang quan tâm khảo sát thêm các thị trường Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan. DN đồ gỗ chú trọng đẩy mạnh thị trường các nước khối ASEAN, đồng thời tìm hướng mở thị trường Đông Âu và UEA. DN cao su đang tìm hiểu để tăng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ vì dự báo sự hồi phục của ngành ô tô Ấn Độ sẽ đẩy nhập khẩu cao su thiên nhiên dùng sản xuất lốp xe của nước này tăng lên cao trong vài năm tới. Nhật cũng là thị trường được DN cao su quan tâm.

Các DN kiến nghị, Chính phủ cần tỏ rõ quyết tâm về phát triển công nghiệp phụ trợ cho những ngành sản xuất hàng xuất khẩu trọng yếu và trực tiếp chỉ đạo nơi thành lập khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu để đảm bảo quản lý ô nhiễm môi trường.

Theo đó, thông tin từ các thị trường mới và chính xác hiện là nhu cầu bức bách nhất. Bộ Công thương, các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến thương mại cần thường xuyên cập nhật thông tin (với nhiều phương thức, qua nhiều kênh) về thị trường có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam sản xuất được; chính sách nhập khẩu, những rào cản kỹ thuật của các nước; tiến trình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (WTO, FTA, TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN…) cùng những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam liên quan hoạt động sản xuất – xuất khẩu. Các chương trình xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới (tiêu, gạo…) hoặc đang có thế mạnh cạnh tranh cần gắn với quảng bá thương hiệu, hình ảnh Việt Nam đến tận người tiêu dùng các nước, chẳng hạn ngành đồ gỗ cần xây dựng thương hiệu “Việt Nam là nhà máy sản xuất đồ gỗ cho thế giới bằng nguồn gỗ hợp pháp”.

Theo các DN, trong khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN vẫn tăng trưởng, chứng tỏ hàng Việt đã có những vị thế nhất định tại nhiều thị trường. Điều quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững chính là các chính sách phải kịp thời, nhạy bén mới đủ sức làm công cụ “dẫn đường” cho DN phát triển.

THÚY HẢI (SGGP)

Bình luận (0)