Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Doanh nhân TP.HCM đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội Thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP. HCM”.


“Doanh nhân TP.HCM đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh tại hội thảo

Hội thảo do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy và Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức sáng 12-1. Mục đích nhằm đánh giá thực tiễn cùng những kiến nghị giải pháp phát huy vai trò và nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ doanh nhân TP. HCM sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát huy vai trò doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; và 9 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU của Thành ủy TP. HCM về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bà Phan Thị Thắng đánh giá những năm qua, TP đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong định hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của TP, đất nước.


Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP.HCM”

Cùng với đội ngũ doanh nhân cả nước, doanh nhân TP. HCM đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội TP.

Gắn liền với quá trình thực hiện đường lối đổi mới, đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của TP đối với cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, hoạt động vì cộng đồng; cùng với chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội  quan tâm chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là người nghèo, gia đình chính sách; … Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt năm 2021, TP ở giai đoạn hết sức khó khăn vì đại dịch Covid-19, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song, cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân TP  trong việc chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh,… góp phần duy trì và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, cộng đồng doanh nhân TP cũng đã đóng góp, chia sẻ trách nhiệm của mình để cùng TP đóng góp vào quỹ vắc xin, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu và bà con yếu thế…”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng cũng nhìn nhận, chất lượng đội ngũ doanh nhân TP chưa đồng đều. Khả năng hội nhập, cạnh trạnh quốc tế còn yếu, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật, tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và năng lực quản lý còn hạn chế. Một bộ phận doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế  – văn hóa – xã hội chưa thống nhất. Đội ngũ doanh nhân mới hình thành và phát triển, chưa tích lũy nhiều vốn và tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và truyền thống kinh doanh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân còn hạn chế. Cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt sự phát triển, hoạt động của doanh nghiệp. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống và đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu;…


Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau hội thảo

Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng đề nghị: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU của Thành ủy, chúng ta cần đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn những mặt còn hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có những giải pháp, dự án tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả”.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội đã trao đổi thông tin vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn về quan điểm cũng như chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, phối hợp xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình nhằm phục vụ trực tiếp vào công cuộc xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân TP.HCM hùng mạnh.

Với vị trí, vai trò là tổ chức cầu nối, liên kết cộng đồng doanh nghiệp có tính chất tự nguyện, tự quản của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM và các tổ chức thành viên, ông Phạm Văn Huỳnh – Phó Bí thư Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho hay, Hiệp hội Doanh nghiệp TP sẽ phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, thu hút ý kiến của doanh nghiệp đóng góp vào các chủ trương, chính sách quản lý kinh tế, xã hội; cải cách hành chính, đấu tranh với tình trạng quan liêu, tham nhũng gây trở ngại cho việc thu hút đầu tư và triển khai các thể chế, chính sách đúng đắn của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển.

Hiệp hội sẽ tiếp tục cải cách phương thức kết nối, hoạt động trong hệ thống tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ít hợp pháp của doanh nhân, doanh nghiệp; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mạnh, đội ngũ doanh nhân có uy tín trách nhiệm cao đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân… góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “phòng chống dịch Covid-19 an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh phát triển mạnh mẽ”.

Theo Ban tổ chức, qua 9 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU của Thành ủy, số lượng, quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu có uy tín trong nước, nước ngoài, chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Tính đến tháng 6-2021, TP.HCM có 457.286 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 7.911.787 tỷ đồng, tăng 244,54% so với năm 2012 (năm 2012 có 186.999 doanh nghiệp); có khoảng 500.000 doanh nhân, chiếm 1/2 số doanh nhân cả nước.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)