Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Doanh nhân trên giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Là những doanh nhân nhiều kinh nghiệm, khi đứng trên bục giảng, họ trở thành người “truyền lửa” cho lớp sinh viên với những bài học cụ thể rất “biện chứng” giữa tư duy lý luận và minh họa thực tiễn…

Sinh viên Kent International College trao đổi bài học với giảng viên nước ngoài

Bên cạnh những nhà giáo lấy công tác giảng dạy làm sự nghiệp, xã hội cũng dành sự tri ân cho những doanh nhân đứng trên bục giảng hàng giờ sau những áp lực điều hành doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một doanh nhân trẻ thành công – anh Trần Khánh Tùng – hiện đang là giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh tại Kent International College.

Được biết, anh đã tốt nghiệp ĐH và thạc sĩ nước ngoài chuyên ngành về kinh tế. Dù khá bận rộn với công ty riêng nhưng anh vẫn xuất hiện đều đặn trên giảng đường. Cơ duyên nào đã khiến anh gắn bó với nghiệp dạy học cho đến ngày hôm nay?

– Anh Trần Khánh Tùng: Dạy học là ước mơ từ thuở nhỏ của tôi. Lúc đó, đất nước còn nghèo quá, tôi nghĩ chỉ có đi theo kinh tế thì mới phát triển được. Sau thời gian dài làm việc cho rất nhiều tập đoàn nước ngoài cũng như Việt Nam, tôi đã có vốn kinh nghiệm kha khá và cùng bạn bè sáng lập thương hiệu thời trang Your Fashion. Đến lúc này, ước mơ được đứng trên lớp, mải mê giảng bài cho sinh viên vụt lớn như một ngọn lửa thôi thúc tôi mỗi ngày. Tôi hiểu ước mơ ấy chưa bao giờ lụi tàn và tôi bắt đầu bước vào nghiệp giáo bằng tất cả chân tình của mình đến nay đã tròn 8 năm.

Dưới góc độ của một doanh nhân, anh quan niệm như thế nào về vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại hôm nay?

– Xã hội thay đổi kéo theo vai trò của các cá nhân trong xã hội cũng thay đổi theo, đó là quy luật vận hành tự nhiên. Từ thực tế cuộc sống, tôi nghĩ rằng người thầy hiện đại không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà cần phải hòa đồng với sinh viên để học hỏi những văn hóa, thậm chí ngôn ngữ riêng của người trẻ để thu hẹp khoảng cách giữa 2 thế hệ.

Bên cạnh đó, tôi ủng hộ hình ảnh người thầy “2 trong 1”, kết hợp giữa doanh nhân và giảng viên. Vì sao như vậy? Vì doanh nghiệp – đội ngũ nuôi sống xã hội đang ngầm đặt ra cho người thầy trách nhiệm vô cùng to lớn mà ngày xưa không có. Sinh viên không chỉ cần kiến thức mà họ phải được trang bị đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn trong công việc, phương thức xử lý rủi ro, khủng hoảng, kỹ năng mềm… trước khi rời khỏi ghế nhà trường. Đó là trách nhiệm của người thầy “2 trong 1” đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải tốn kém tài nguyên và thời gian đào tạo lại như hiện nay, sinh viên tạo ra giá trị chất lượng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có tiền đề để tiếp tục phát triển và tạo ra những giá trị mới to lớn đóng góp vào nền kinh tế xã hội.

Tôi xin phép bàn thêm một điểm nữa mà tôi rút ra từ những lần tuyển dụng nhân viên. Sinh viên hiện nay đa phần chưa xác định được mục tiêu sống của mình là gì và ấp ủ những ước mơ quá bay bổng. Người thầy trong thời đại mới nên chăng cần tìm hiểu sinh viên của mình đang nghĩ gì, dự định gì để lèo lái suy nghĩ các em trở về tích cực và phù hợp thực tế cuộc sống.

Anh có nghĩ rằng việc theo học các chương trình quốc tế cấp bằng tại Việt Nam có mang đến nhiều lợi thế cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ không ạ?

– Tất nhiên là có. Xét trên mặt bằng chung, sinh viên quốc tế sẽ có lợi thế mũi nhọn về khả năng tiếng Anh giao tiếp tốt, đặc biệt kỹ năng viết bài luận. Mô hình chung ở các trường quốc tế hiện nay, ngoài số ít giảng viên chuyên dạy lý thuyết thì cũng có những giảng viên – doanh nhân có thế mạnh về kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm làm việc của họ sẽ được lồng ghép vào bài học cụ thể. Sinh viên được học tập bằng trực quan sinh động và đóng vai nhân viên xử lý tình huống phát sinh trong công việc. Lớp học trở thành không gian rất lý thú cuốn hút tất cả mọi người.

Anh Trần Khánh Tùng tốt nghiệp chương trình Associate Degree ngành Business English Magill College Australia (Úc), Master ngành Sales & Marketing Service ĐH Sorbonne (Pháp). Công việc hiện tại: Đồng sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang Your Fashion. Anh có trên 8 năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trung tâm đào tạo kỹ năng, một số trường ĐH, CĐ quốc tế tại Việt Nam.

Chương trình quốc tế đặt nặng chất lượng sinh viên đầu ra. Sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện và đặc biệt là kỹ năng tự học. Doanh nghiệp sẽ rất hài lòng khi tuyển dụng được những sinh viên có góc nhìn vấn đề rộng và khả thi. Đối với sinh viên Kent International College tôi đang dạy, tôi đánh giá cao các bạn về khả năng giao tiếp tiếng Anh tự tin, suy nghĩ cởi mở và đức tính cầu thị.

Một vấn đề nữa là hiện nay các bạn trẻ vẫn còn rất trọng bằng cấp, đặc biệt là bằng ĐH. Sau thời gian công tác tại Kent International College, anh có suy nghĩ gì về quan điểm này?

– Xu hướng chung ở các tập đoàn nước ngoài, công ty đa quốc gia chỉ tuyển dụng những người làm được việc và trả lương xứng đáng cho năng lực của họ. Tôi xin kể trường hợp một tập đoàn tài chính ngân hàng ở Anh, bộ phận nhân sự đưa ra đề thi tuyển vòng loại dành cho tất cả mọi đối tượng, không quan tâm đến bằng cấp của người dự tuyển là thạc sĩ, cử nhân hay CĐ. Vượt qua được bài thi này, các ứng viên sẽ được phỏng vấn trực tiếp bởi cấp quản lý. 

Trở lại vấn đề được hỏi về chương trình CĐ quốc tế mà Kent International College đang giảng dạy. Mặc dù thời gian học ngắn hơn so với chương trình trong nước nhưng nhà trường vẫn đảm bảo đầy đủ kiến thức cho sinh viên làm việc sau khi tốt nghiệp. Hầu hết sinh viên Kent mà tôi biết hiện đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài và cơ hội thăng tiến rất tốt.

Thưa anh, trên phương diện cá nhân, anh đánh giá chất lượng sinh viên hiện nay đang thiếu những yếu tố nào cần bổ sung ngay?

– Ngoài sự thiếu hụt kiến thức thực tiễn, kỹ năng mềm cơ bản mà báo chí đã từng đề cập đến rất nhiều trước đây, tôi cho rằng một bộ phận sinh viên còn ỷ lại, dựa dẫm vào điều kiện gia đình mà không chú trọng việc học. Đồng thời, các bạn sử dụng công nghệ phục vụ nhu cầu giải trí nhiều hơn là tích lũy kiến thức xã hội để làm giàu vốn sống của mình. Nhà trường cần mở các lớp huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tập thể… để tái định hướng mục tiêu sống đúng đắn cho các bạn.

Tôi hy vọng qua những chia sẻ trên, cộng đồng xã hội sẽ có khái niệm mới về vai trò người thầy giảng viên – doanh nhân như chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi mong mỏi vốn kiến thức, kinh nghiệm từ thương trường của mình sẽ là những bài học hữu ích, giúp sinh viên thành công hơn trong xã hội so với thế hệ chúng tôi hiện nay.

Xin cám ơn anh!

Ngọc Mai

Bình luận (0)