Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh thu hàng tỉ USD nhưng nộp thuế nhỏ giọt

Tạp Chí Giáo Dục

Dù doanh thu Google, Facebook, Netflix, Airbnb… liên tục tăng, nhưng các dịch vụ này không đóng thuế hoặc chỉ đóng nhỏ giọt.
Netflix có khoảng 300.000 thuê bao sử dụng tại Việt Nam  /// Ảnh: Hạ Huy
Netflix có khoảng 300.000 thuê bao sử dụng tại Việt Nam. ẢNH: HẠ HUY
Sau Google, Facebook thì một số dịch vụ xuyên biên giới khác như Netflix, Airbnb… cũng đẩy mạnh hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam với hàng trăm ngàn người dùng. Dù doanh thu liên tục tăng, nhưng các dịch vụ này không đóng thuế hoặc chỉ đóng nhỏ giọt.
Doanh thu ngàn tỉ mỗi năm
Netflix là dịch vụ xem phim trên mạng của Mỹ đã có mặt tại 130 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam gần 4 năm qua. Hiện tại Netflix cung cấp 3 gói cước chính cho thị trường Việt Nam với phí 180.000 đồng/tháng, 220.000 đồng/tháng và 260.000 đồng/tháng. Chi phí hợp lý, thủ tục đăng ký đơn giản trong khi nội dung phong phú nên Netflix dần thu hút nhiều người xem tại Việt Nam.
Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau FPT Play. Có thể thấy, dù tham gia thị trường Việt Nam sau nhưng ứng dụng này đã nhanh chóng vượt qua các ứng dụng trong nước như K+, VTVCab… Báo cáo của Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết từ khi vào Việt Nam năm 2016, ước tính Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao, thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, tương đương doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng). Dù vậy, Netflix không chịu sự quản lý như các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.
Trong văn bản gửi Thủ tướng cuối tháng 7.2020, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) cũng đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới. Bởi do không bị ràng buộc về các quy định, đóng thuế… đã khiến các thương hiệu ngoại quốc chiếm hơn 50% thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường truyền hình trả tiền.
Ngoài việc chiếm thị phần và khách hàng, những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi… còn không chịu sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước (SCTV, Viettel, FPT, VNPT, VTVcab, HTVC) luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời làm tốt nghĩa vụ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng.
Không chỉ Netflix, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nước ngoài như Spotify, Apple Music… cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Việt Nam với chính sách dùng thử miễn phí thời gian đầu và có thể tương lai không xa sẽ thu hút được số đông người dùng trong nước.
“Truy vết”
Netflix cho người dùng đăng ký dịch vụ online và chỉ chấp nhận thanh toán bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, MasterCard, American Express. Như vậy số tiền đơn vị này thu được sẽ hoàn toàn đi khỏi Việt Nam mà không ai có thể chặn lại.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đang phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để rà soát, thống kê doanh thu của Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại VN (từ năm 2016 đến nay) để truy thu thuế.
Câu chuyện thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng số thu còn thấp và chủ yếu là cơ quan thuế thực hiện “truy vết” là chính. Mới đây, cơ quan thuế Hà Nội đã thực hiện truy thu và tính phạt 4,064 tỉ đồng đối với người tên T.Đ.P nhận thu nhập hơn 41 tỉ đồng từ Google. Cá nhân này do thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo cho Google trên phần mềm ứng dụng trò chơi, nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Một trường hợp khác, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra Công ty TNHH H N Việt Nam nhận thu nhập từ Google với số tiền 109,855 tỉ đồng. Công ty có lập hóa đơn kê khai khoản thu nhập nhận được Google, nhưng kê khai xác định khoản thu nhập này được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% là không đúng quy định, đoàn thanh tra cơ quan thuế đã điều chỉnh lại thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất phổ thông và xử lý truy thu tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp hơn 2,84 tỉ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cũng xác định các tổ chức, cá nhân có doanh thu tổng cộng hơn 5.000 tỉ đồng từ cho thuê nhà qua các ứng dụng như Booking, Agoda, Airbnb nhưng số tiền thuế thu về chỉ hơn 93 tỉ đồng.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay theo quy định hiện hành, người mua dịch vụ xuyên biên giới có nhiệm vụ đóng thuế thay cho người bán. Thế nhưng hiện nay chỉ có thể nắm đối tượng “có tóc” là doanh nghiệp có vào sổ sách các khoản này, còn đối với cá nhân thì khó. Chẳng hạn trường hợp của Netflix mỗi năm có doanh thu tính ra khoảng 700 tỉ đồng ở thị trường Việt Nam, nhưng các cá nhân trả bằng thẻ thì ngân hàng khó có thể trừ thuế. Hơn nữa việc thực hiện thu đối với từng trường hợp vừa mất thời gian và không hiệu quả. Do đó, cơ quan chức năng có thể học hỏi kinh nghiệm một số nước như Indonesia, thực hiện đàm phán thỏa thuận về doanh thu và số thuế hằng năm phải nộp khi dịch vụ triển khai tại thị trường Việt Nam dù rằng những công ty công nghệ không có sự hiện diện ở nước sở tại.
Luật Quản lý thuế giao cho ngân hàng thương mại việc trích trừ tiền thuế khi phát sinh giao dịch trên tài khoản của khách hàng nhưng ngân hàng khó có thể thực hiện được bởi thuế nhà thầu (gồm thuế giá trị gia tăng – VAT và thu nhập doanh nghiệp) có mức thuế suất khác nhau tương ứng với từng hoạt động.
Luật sư Trần Xoa
Theo Thanh Xuân – Mai Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)