Những năm học gần đây, nhiều phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT tổ chức một cuộc thi với các tên gọi khác nhau nhưng thực chất là thi làm đồ dùng dạy học. Tính tích cực của cuộc thi thì mọi người đều rõ. Nó tạo một sân chơi rất ý nghĩa cho thầy cô giáo trong việc sáng tạo các sản phẩm phục vụ cho việc dạy học của mình. Nhiều sản phẩm dạy học thực sự hữu ích cho việc giảng dạy.
Thế nhưng, kết quả các cuộc thi này đã làm nhiều giáo viên băn khoăn và cả bức xúc. Những đồ dùng dạy học đoạt giải cao được đánh giá là khoa học, sáng tạo không đủ thuyết phục các thầy cô giáo. Bởi vì, nhiều sản phẩm đoạt giải cao nhưng khó sử dụng hiệu quả trong thực tế, giá thành sản phẩm quá mắc, khó bảo quản, chỉ dạy được một bài học… Một sản phẩm từng đoạt giải nhất là 4 mắt kính tương tự như mắt kính xem phim 3D, phần mềm được mua về rồi kết nối với máy tính để xem các clip, phim có hiệu ứng như xem phim 3D với giá thành cả chục triệu đồng. Sản phẩm này có thể gọi là sáng tạo không khi hoàn toàn mua? Chỉ có 4 mắt kính thì với một lớp học có 40 học sinh và 1 tiết học có 40 phút sẽ sử dụng thế nào? Sản phẩm này có hiệu quả trong thực tế giảng dạy không? Chính vì vậy, sản phẩm này dường như chỉ để tham gia cuộc thi. Một sản phẩm đoạt giải cao khác là mô hình biến đổi khí hậu. Sản phẩm này khá hiệu quả khi giảng dạy nhưng nó là một thùng bằng kính có kích thước 1,2m x 1m x 0,6m, chưa kể khung sắt đỡ. Sản phẩm này chỉ dùng dạy một bài và không thể dễ dàng di chuyển nó đến các lớp học. Giá thành của nó cũng cỡ chục triệu đồng. Tôi còn được biết khi vận chuyển đến nơi dự thi, kính bị nứt, phải gấp rút thay kính. Bảo quản để sử dụng lâu dài và thuận tiện khi dạy thì sản phẩm này khó đạt. Sau cuộc thi, sản phẩm đoạt giải này đã được xếp vào một góc của phòng thư viện thiết bị. Nhiều sản phẩm đoạt giải cao cũng như thế!
Các sản phẩm đoạt giải cao thường có giá thành cao nên chỉ những trường lớn, có điều kiện kinh phí mới thực hiện được và sau cuộc thi, các sản phẩm đoạt giải cao này lại đem cất, thật phung phí tiền bạc. Chính điều này đã làm nản lòng thầy cô giáo ở các trường nhỏ, kinh phí hạn hẹp. Các trường nhỏ, nghèo không có nhiều chi phí khi thực hiện sản phẩm dự thi thì chẳng bao giờ có giải cao. Một giáo viên từng tâm sự: “Trường em năm nào cũng dự thi để tham gia phong trào của ngành chứ biết chắc rằng cao nhất là đoạt giải khuyến khích, giải phong trào”. Thầy cô giáo ở các trường ấy đã tốn nhiều công sức, đã thực sự sáng tạo và thực hiện đồ dùng dạy học với tiêu chí hiệu quả trong giảng dạy – dạy được nhiều bài, nhiều môn, dễ bảo quản và tiết kiệm kinh phí. Tiếc rằng, các tiêu chí này đã không được đánh giá cao bằng tiêu chí gọi là công nghệ, hiện đại nên chẳng bao giờ các trường nhỏ, nghèo đoạt các giải cao của cuộc thi.
Nhiều thầy cô giáo tha thiết mong rằng các cuộc thi này cần có tiêu chí đánh giá sát thực tế hơn để cuộc thi thật sự có ý nghĩa, và giáo viên các trường nhỏ, kinh phí hạn hẹp hứng thú tham gia hơn chứ không phải bị phân công tham gia chỉ để hưởng ứng phong trào của ngành giáo dục.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)