Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Độc đáo biệt thự đá

Tạp Chí Giáo Dục

Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng không chỉ vì khí hậu mát lạnh, cảnh quan thơ mộng mà còn bởi hệ thống biệt thự với kiểu dáng đa dạng, độc đáo.

Đà Lạt có hàng ngàn biệt thự lớn nhỏ, đa phần được xây dựng từ những năm 1940 trở về trước, do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Về hình thức, các biệt thự được xây dựng trước năm 1954 chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc Pháp, nhưng đặc biệt không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi cái có diện mạo riêng, vẻ đẹp riêng. Trong số đó, “lạc loài” một biệt thự xây dựng bằng đá granit (tọa lạc tại số 1A và 1B Quang Trung, P.9, Đà Lạt) theo kiến trúc Tây Ban Nha. Tòa biệt thự với hai ngôi nhà tách biệt được nối liền bằng một hành lang bán nguyệt được xây dựng vào năm 1928, mô phỏng kiến trúc vùng Basques (Tây Ban Nha) nên nhìn bề ngoài là có thể nhận ra nhiều điểm khác biệt với hàng ngàn ngôi biệt thự kiến trúc Pháp hiện có ở Đà Lạt. Điều dễ nhận thấy nhất là ngôi biệt thự này có rất nhiều cửa sổ nhỏ xung quanh tường nhà với đủ loại hình dạng vuông, chữ nhật, tròn, vòm cung, chữ thập… Tường xây bằng đá dày từ 60 – 80 cm; các lò sưởi trong biệt thự cũng được trang trí công phu bằng những đường nét độc đáo.

Biệt thự Phi Ánh (Đà Lạt) – Ảnh: Lâm Viên

Theo một số nhà nghiên cứu, vào năm 1940, vua Bảo Đại đã mua lại biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh, nên từ đó biệt thự có tên là Phi Ánh. Sau năm 1975 biệt thự biến thành “chung cư” cho khoảng chục hộ sinh sống. Cách đây 5 năm, khi tỉnh Lâm Đồng cho một công ty thuê để kinh doanh thì ngôi biệt thự đá này mới được trùng tu đúng với nguyên trạng. Qua quá trình trùng tu, các kiến trúc sư đã phát hiện nhiều điểm độc đáo và bí ẩn xung quanh căn biệt thự này. Phòng khách có tới 8 bức phù điêu liền kề, thoáng nhìn giống hình các đồng hồ treo tường, nhưng khi cọ rửa sạch thì không nhìn rõ hình thù và không lý giải được ý nghĩa. Ngoài 8 bức phù điêu trên, các kiến trúc sư còn phát hiện thêm 12 bức phù điêu hai mặt, có kích thước khác nhau (từ khoảng 40 x 40 cm đến 40 x 80 cm). Không chỉ có thế, trong biệt thự có 4 bức hoa sen cách điệu, một bức có hình hai đầu chim lạ được bố trí ở gần cửa sổ mặt ngoài. Điều lạ nữa, biệt thự này còn có hai bức phù điêu cô gái Chăm cao khoảng 1,5 m, đầu đội mũ vàng hình 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng còn nguyên vẹn được đắp nổi ở phần tường vòm và gần cửa chính của biệt thự. Giới nghiên cứu kiến trúc thắc mắc trong một biệt thự "Tây" như thế tại sao lại có những họa tiết, phù điêu mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông như hoa sen, cô gái Chăm, đầu chim… Phải chăng chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự là người am hiểu và đam mê văn hóa phương Đông, hay sau khi thứ phi Phi Ánh đến tiếp quản biệt thự mới được làm thêm?

Chân dung thứ phi Phi Ánh – Ảnh: Lâm Viên

Hiện nay, biệt thự Phi Ánh là điểm đến thú vị cho những du khách thích khám phá. Ngoài những nét kiến trúc độc đáo có chút gì đó bí ẩn, trong ngôi biệt thự còn dành khoảng không gian để du khách chiêm ngắm chân dung thứ phi Phi Ánh và vua Bảo Đại thời trẻ, là chủ nhân của biệt thự đá Tây Ban Nha độc nhất vô nhị tại Đà Lạt.

Lâm Viên (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)