Chỉ thời gian ngắn trở lại đây, khu chợ Bình Tây còn được biết đến là “vựa” bánh tráng trộn khá lớn và trở thành chợ độc nhất vô nhị ở Sài Gòn bán món ăn chơi mà ai cũng ghiền.
Chờ khách mối đến lấy bánh tráng trộn |
Nói là chợ cho xôm tụ nhưng chỉ tá túc ở vỉa hè 2, 3 giờ khi ngày mới chưa bắt đầu. Khoảng 2 giờ sáng, những chiếc xe máy chở bánh tráng trộn vượt trên dưới 100km từ Trảng Bàng, Hòa Thành (Tây Ninh) về chợ và về nhà.
Khỏi lo không vốn
Đến chợ, việc đầu tiên là phân bánh ra từng bao theo số lượng mà khách hàng đã gọi điện đặt từ chiều hôm trước. Mỗi người lấy vài chục bao, có người cả trăm chứ chẳng ít. Mỗi người có khách hàng riêng, không ai giành giật mối của nhau. Hết hàng, có thể mượn của nhau mà giao cho khách, hoặc tranh thủ lấy hàng bán thêm để về cùng lúc.
Sáng nào cũng vậy, dù mưa gió những chiếc xe chở bánh tráng trộn vẫn đến chợ, cung cấp nguồn hàng cho đại lý, người bán lẻ từ khắp nơi đến lấy hàng. Những bao bánh tráng to cũng đã hết chóng vánh, kịp giờ trả lại sự thông thoáng của vỉa hè đường Tháp Mười.
Đặc thù mua, bán ở chợ này cũng lạ, diễn ra chóng vánh và buổi chợ xem như tan khi chợ Bình Tây bắt đầu mở cửa. Lúc này, tiểu thương gom hàng cho vào bao và chất lên xe đậu trên vỉa hè để chờ khách mối đến lấy hàng, có khi đợi đến mặt trời đứng bóng. Hôm nào bán sỉ không hết thì họ tản ra khắp các ngả đường để bán dạo. Chị Ngô Thị Thanh (46 tuổi, quê Trảng Bàng) cho biết khách hàng của chợ không chỉ ở TP.HCM mà còn ở một số tỉnh miền Tây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có khoảng 30 “tiểu thương” bán bánh tráng trộn tại đây. Ngoài những người xuất thân trong những gia đình theo nghề làm bánh tráng truyền thống, còn có người chỉ lấy hàng của các cơ sở uy tín lên đây bán kiếm lời.
Chị Thanh giải thích chợ phải họp sớm là vì những bao bánh cồng kềnh, chiếm không gian nên việc di chuyển hết sức khó khăn cũng như bày bán chiếm không gian. Vì vậy phải di chuyển lúc 2-3 giờ sáng, khi đường vắng người và xe.
Từ ngày có chợ bánh tráng trộn này, ông Nguyễn Hữu Quý (ngụ Bến Bình Đông, Q.8) cũng kiếm được một vài cuốc xe chở bánh về các đại lý gần đó hoặc chuyển đến bến xe, ghe thuyền đang neo đậu. “Sau khi chở vài mối quen đi chợ và về, nửa buổi cũng rảnh, có thêm công việc thu nhập cũng ổn”, ông Quý nói.
Thời gian gần đây, nhiều mối lái ở miền Tây cũng đặt hàng và chuyển theo những chuyến ghe chở hàng TP.HCM về các tỉnh miền Tây. Khách hàng của chợ đa phần là người mua bán nhỏ, vốn liếng không nhiều, cho nên để tạo điều kiện cho khách có nguồn hàng ổn định, đa phần đều phải “gồng” tiền vốn, khi bán hết hàng sẽ trả. “Họ nghèo như mình, họ trả chậm chứ chưa ai quỵt. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ người có nhu cầu bán bánh mà không có vốn, năm bảy triệu thì không chứ năm bảy trăm ngàn thì đâu có khó”, chị Thanh cho hay.
“Đặc sản” đi… xa
Bánh tráng trộn “lên” xích lô |
Những năm gần đây, bánh tráng trộn là một món ăn chơi khá thú vị đối với người Nam bộ, đặc biệt là giới HS-SV và nữ văn phòng. Có nhiều cơ sở, hộ kinh doanh cá thể làm nghề bánh tráng trộn với hương vị đặc trưng riêng, tuy nhiên bánh tráng trộn Trảng Bàng, Tây Ninh được xem là một “thương hiệu” uy tín. Chị Thanh tâm sự: “Nghề tưởng chừng đơn giản nhưng khá dày công ở tất cả các công đoạn. Dù phải cạnh tranh gay gắt, song đã xem là một nghề thì chúng tôi luôn coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn nguyên liệu sạch. Nhờ đó mà thương hiệu bánh tráng trộn của Trảng Bàng ngày càng được mọi người chú ý.
Ông Nguyễn Văn Thảo (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) tự hào: Nhiều nơi làm bánh tráng trộn nhưng nguyên liệu phong phú và vị ngon đặc trưng thì không đâu bằng Trảng Bàng, Hòa Thành (Tây Ninh). “Các loại nguyên liệu khác có ngon cách mấy nhưng bánh tráng không giống ai thì khó mà ngon được. Loại bánh tráng mà có thấm nước sốt, làm mềm nhưng không ỉu thì mới… đã”, ông Thảo khẳng định.
Chị Thanh cho biết, về cơ bản nguyên liệu chế biến món bánh tráng trộn giống nhau, tuy nhiên để có vị đặc trưng thì mỗi nhà, cơ sở có một bí quyết riêng. Nguyên liệu cho món này, trước hết bánh tráng phải dai dai, mềm thơm gạo và đặc biệt là khô bò, trứng cút hay nước sốt phải “độc” để ăn mà… nhớ. Chế biến các món này khá kỳ công, ngoài ra còn có các nguyên phụ liệu đi kèm như rau răm, xoài thái mỏng, đậu phộng rang, ruốc khô, hành tím, sa tế, dầu ăn, muối ớt Tây Ninh… “Chế biến đã khó, bảo quản càng khó hơn. Riết rồi quen, khách hàng ở mỗi địa phương có một khẩu vị khác nhau, nguyên liệu ưa thích cũng hoàn toàn trái ngược nhau”, chị Thanh nói.
“Gần đây, một số doanh nghiệp gợi ý sản xuất bánh tráng trộn với số lượng lớn để sản xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, mọi thứ còn đang rất mới mẻ, chúng tôi chưa dám đầu tư. Bỏ công làm lời để duy trì nghề bánh tráng chứ cực lắm”, chị Thanh chia sẻ.
Trần Anh
Bình luận (0)