Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Độc đáo cờ người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều đóa hồng trong đội cờ người.

Ảnh: Phan Văn Trung

Quân Xanh và quân Đỏ chuẩn bị giao chiến. Binh khí sáng lòe, trống chiêng rền vang, các võ sĩ lao vào nhau đồng lòng chiến đấu bảo vệ cung tướng… là nét đặc sắc của cờ người Việt Nam thường xuất hiện vào các lễ hội lớn, tết cổ truyền từ hàng trăm năm trước.
Sau một thời gian dài ấp ủ đam mê, võ sư trẻ Trần Cẩm Khoa đã thành lập hẳn công ty biểu diễn cờ người chuyên nghiệp. Anh tâm sự: “Tụi mình mơ ước được đưa môn chơi độc đáo này đến gần mọi người hơn…”.
Giấc mơ 15 năm 
Trong một lần hướng dẫn cho khách nước ngoài xem múa rối nước ở Hà Nội, thấy họ say mê chẳng muốn rời sân khấu, anh hướng dẫn viên Trần Cẩm Khoa nghĩ: “Miền Bắc nổi tiếng với loại hình múa rối nước đặc sắc thì tại sao miền Nam không khuếch trương cờ người?”.
Nói là thực hiện. Cẩm Khoa mang ý tưởng này tâm sự với gia đình và bạn bè nhưng ai cũng ngăn cản Khoa đừng dại dột làm chuyện “điên rồ” vì cờ người “hay thì có hay” nhưng vì nhiều lí do nên tàn lụi rồi. Không nản lòng, ban ngày Khoa làm hướng dẫn viên để tích lũy vốn, còn ban đêm đứng dạy lớp võ để tìm kiếm học trò nuôi ước mơ lập đội người chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Sau một thời gian, công ty biểu diễn cờ người mang tên Việt Khoa chính thức ra mắt mọi người. Những đợt lưu diễn miễn phí cho các em thiếu nhi ở TP.HCM và các tỉnh Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ … vào Tết Trung thu vừa qua với nhiều tiết mục vô cùng lạ mắt và đặc sắc khiến khán giả cứ há hốc mồm vì kinh ngạc. Anh giám đốc trẻ vui ra mặt: “Cuối cùng giấc mơ chắp cánh hồn cờ người suốt 15 năm của mình cũng thành sự thật”. Nhưng càng ít người biết, dù mới ở độ tuổi “băm” nhưng anh Khoa đã có thời gian gần 20 năm luyện võ Tân Khánh – Bà Trà. 15 năm trước, anh cũng từng nổi danh như cồn trong vai xe Đỏ dũng mãnh ngang dọc bàn cờ người trong các dịp lễ hội.
Những “đóa hồng” trên bàn cờ người

Một pha tấn công của 2 quân cờ trong ván đấu cờ người. Ảnh: Phan Văn Trung

Anh Khoa thừa nhận may mắn có rất đông các học trò cùng đam mê cờ người nên cùng nhau chung tay vực dậy phong trào. Hiện tại, đội cờ Việt Khoa đã có hơn 40 “quân cờ” đa số là học sinh, sinh viên. Người “già” nhất là Duy Phương chỉ mới 24 tuổi còn nhí nhất là Hoài Phong vừa tròn 14 tuổi nhưng tất cả đều có “thâm niên” theo thầy tập võ không dưới năm năm.
Nhưng có lẽ “ngộ” nhất mà không bàn cờ người nào có được là sự có mặt của hơn chục quân cờ “kẹp tóc” rất “có nghề”, trong đó bạn Hà Phương (ĐH Công nghệ TP.HCM) thường đóng vai quân xe Xanh cực kì “điêu luyện” suốt 7 năm. Hà Phương kể lúc đầu gia đình cũng ngần ngại khi thấy con gái cưng biểu diễn nhảy qua vòng lửa cháy rừng rực hoặc… cà nhắc đi về sau những buổi tập nhưng sau này hiểu ra nên ai cũng ủng hộ. Hà Phương tâm sự: “Không chỉ là võ thuật rèn luyện sức khỏe, cờ người còn là cuộc đấu trí vừa mạnh mẽ vừa tao nhã của kẻ sĩ nên càng tập càng mê …”. Còn Cẩm Tú (15 tuổi) thì suốt mấy năm qua dù bận bịu phụ việc cho một quán hủ tiếu nhưng chẳng bỏ buổi tập nào của đội vì “tuần nào không được cùng các bạn bày trận là nhớ kinh khủng lắm”. Hai bạn gái trẻ cho biết vui thì có vui nhưng cờ người khổ luyện ghê lắm nên có rất nhiều bạn ban đầu háo hức nhưng sau đó đành bỏ cuộc vì không kham nổi. Để thành công trong một tiết mục, các “quân cờ” phải trải qua quá trình tập luyện lâu dài và gian khổ suốt mấy tháng ròng với các đòn thế có độ khó cao nên nhiều bạn trở về nhà với chân cẳng bầm dập là “chuyện nhỏ”.
Phải sống được với nghề

Cờ người VN chia ra làm hai trường phái. Ở miền Bắc sử dụng cây cắm làm quân cờ. Người chơi đi vòng vòng dời “cờ” theo thế trận của mình. Nam thanh nữ tú ăn mặc sặc sỡ vẫy quạt xung quanh.

Ở miền Nam khi “ăn quân” các võ sĩ sắm vai “quân cờ” phải đánh bài quyền hoặc bài binh khí đẹp mắt. Các quân cờ mặc áo vải đen ngồi trên đất chờ lệnh.
Một nét độc đáo nữa của đội cờ người Việt Khoa chính là các màn biểu diễn “độc nhất vô nhị” như giao chiến ngoạn mục (quân cờ lộn xuyên vòng lửa, phi thân qua hàng đinh…) trong âm thanh tương ứng từng quân cờ (voi gầm, ngựa hí, tiếng đại bác rền trời…).
Chưa hết dàn đạo cụ của Việt Khoa cực kì đa đạng với hàng trăm lá cờ phướn, lăn khiên, trống trận còn dàn binh khí cũng “hết hồn” với đủ các loại giáo mác dài ngắn sáng lòa. Đầu tư “xịn” như thế, anh Khoa đã dốc “hầu bao” cả trăm triệu đồng. Anh cho biết: “Không chỉ mang cờ người đến với mọi người, tôi còn mong các học trò của mình sống được với nghề”.
Các chàng trai cô gái trẻ đội cờ người cho biết mặc dù hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ luyện tập vì hầu như nơi nào cũng “chê” cờ người khó thu kinh phí nhưng bạn nào cũng quyết tâm chắp cánh hồn cờ người. Còn “giám đốc” Khoa bật mí: “Sau những lần lưu diễn gần đây được khán giả ủng hộ quá xá, sang năm mới, đội sẽ làm một chuyến biểu diễn xuyên Việt để tất cả mọi người nhất là các du khách nước ngoài có cơ hội tận mắt chứng kiến sức hấp dẫn đặc biệt của môn chơi truyền thống độc đáo này”.
Ngọc Lan

Bình luận (0)