Không ai nhớ lễ Piếc xa rò cúng tạ ơn thần lúa có tự bao giờ. Chỉ biết, sau mỗi vụ mùa lúa rẫy, người đồng bào Vân Kiều phía Đông dãy Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) lại chọn đám ruộng rẫy được mùa nhất để tổ chức lễ cúng tạ ơn thần lúa đã ban cho họ một vụ mùa tốt tươi, no ấm.
Sau mỗi vụ mùa, người dân chọn đám ruộng rẫy được mùa nhất để tổ chức lễ Piếc xa rò tạ ơn thần lúa
Người Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn ngày nay còn lưu giữ rất nhiều nét truyền thống văn hóa đặc trưng. Bao đời sống nhờ vào hạt lúa trên nương rẫy nên các nghi lễ cúng liên quan đến vị thần lúa thường được tổ chức hết sức trang trọng. Lễ Piếc xa rò – tạ ơn thần lúa đã ban cho một vụ mùa bội thu là một trong những nét đẹp văn hóa ấy. Lễ thường được tổ chức sau mỗi vụ mùa lúa rẫy.
Già làng Hồ Văn Pu (77 tuổi) – trú thôn Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) – nơi còn nhiều người dân duy trì lễ cúng tạ ơn thần lúa kể, từ ngày còn thơ ấu, cứ sau mỗi vụ mùa, ông lại được gia đình dắt lên rẫy tham dự lễ cúng Piếc xa rò. Nghi lễ tồn tại bao đời, như linh hồn sống của đồng bào gắn với phương thức canh tác lúa rẫy. “Người Vân Kiều thường dặn cháu con, để có cơm ăn no cái bụng, phải biết nhớ ơn thần lúa đã ban cho mình những vụ mùa bội thu. Mùa nào cũng vậy, khi lúa rẫy vào độ chín rộ, thu hoạch thì các gia đình chọn đám ruộng tốt nhất để thực hiện lễ cúng, vừa thể hiện lòng biết ơn vừa thực hiện nghi thức buộc chỉ giữ hồn thần lúa vào tay để dặn dò con cháu chăm chỉ làm lụng, mong vụ mùa sau lại tốt tươi, gia đình đầm ấm thuận hòa. Lễ cúng cũng là dịp để cháu con trong gia đình cùng bà con làng xóm sum họp, ăn với nhau bữa cơm gạo mới trong đoàn viên vui vẻ sau một vụ mùa vất vả trên nương rẫy”, già Pu bộc bạch.
Những phụ nữ Vân Kiều trong trang phục truyền thống tuốt lúa đầy gùi để đặt quanh bàn lễ cúng báo cáo với thần lúa một vụ mùa đã kết thúc
Tấm vải thổ cẩm đẹp nhất được chọn dâng lên nữ thần Giã A Bôn
Lễ Piếc xa rò được bà con tổ chức trang trọng, với các lễ vật gồm: 1 con heo bản, 2 con cua, cá suối, 4 quả trứng, gà luộc, rượu men lá. Đặc biệt, vì quan niệm thầy Giã A Bôn là nữ thần nên lễ cúng thường có thêm tấm thổ cẩm, vòng cổ. Lễ cúng cũng không thể thiếu những bông hoa tươi thắm và nắm lúa trĩu hạt ngắt từ rẫy.
Người tham gia lễ cúng thường ăn mặc trang trọng với các trang phục truyền thống, thể hiện sự trang nghiêm. Những phụ nữ Vân Kiều sẽ đến tuốt lúa rẫy để đầy các chiếc gùi, bày quanh bàn cúng lễ, báo cáo với các vị thần một vụ mùa đã kết thúc. Bài khấn của đồng bào trong lễ Piếc xa rò là tạ ơn thần lúa đã giúp sức ngăn con thú rừng phá hoại, ban cho bà con vụ mùa bội thu để được no ấm. Người dân cũng không quên cầu mong thần lúa tiếp tục phù hộ để vụ mùa sau cây lúa được tốt tươi, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt và con cháu chăm chỉ học hành… Lễ Piếc xa rò vừa là lễ tạ ơn, vừa mời thần lúa về nhà trú ngụ trong thời gian chờ vụ mùa mới. Trước mỗi vụ gieo hạt cho mùa mới, bà con lại tổ chức lễ rước thần lúa ra ruộng. Đặc biệt nhất trong lễ Piếc xa rò có lẽ là nghi lễ buộc sợi dây hồn lúa vào tay, cầu mong cho gia đình hòa thuận, ấm no.
Những bông lúa trĩu hạt được ngắt từ rẫy làm lễ vật dâng cúng
Nghi lễ buộc dây hồn lúa vào tay cầu mong gia đình thuận hòa, no ấm
Qua thời gian, dọc dãy Trường Sơn đã có nhiều nơi chuyển sang canh tác lúa nước. Tuy nhiên, nghi lễ vẫn được các gia đình còn gieo trĩa lúa rẫy gìn giữ, duy trì như là một cách nhắc nhớ ơn tổ tiên xưa.
Già Pu bảo: “Bản Trăng Tà Puồng ngày nay đang hướng đến tổ chức các tour du lịch cộng đồng. Việc bảo tồn, gìn giữ lễ cúng tạ ơn thần lúa Piếc xa rò là cơ hội để du khách trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người Vân Kiều của bản nói riêng và biết về phong tục của đồng bào Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn nói chung”.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)