Hiện ông Thạch Tư (69 tuổi, ngụ H.Châu Thành) là người duy nhất ở Trà Vinh còn làm nghề vẽ tranh trên lá thốt nốt và viết chữ trên lá buông.
Cuối năm 2015, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với loại hình tri thức dân gian.
Nghệ nhân đa tài
Ông Thạch Tư kể: “Hồi đó vừa học xong bậc tiểu học ở trường làng, 14 tuổi tôi lên Sài Gòn học Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, nhưng vì nhà nghèo nên chỉ học dự thính được một năm thì lại khăn gói trở về quê. Theo phong tục của người Khmer, năm 1963 tôi đi tu ở chùa Kampong Chray (còn gọi chùa Hang) và bắt đầu học nghề vẽ, đặc biệt là vẽ chân dung, từ nghệ nhân Nguyễn Ngọc Chấn, tên thường gọi là Năm Chuối. Sau 5 năm, tôi trở về nhà và được cha tôi truyền lại nghề điêu khắc, vẽ hoa văn họa tiết cho các chùa Khmer, tạc tượng Phật”…
Từ những chiếc lá thốt nốt non, qua bàn tay tài hoa của ông đã trở thành bức tranh độc đáo. Ông cho biết ngày xưa thốt nốt mọc rất nhiều ở vùng đất Trà Vinh. Để làm tranh phải lấy những chiếc lá non còn màu trắng ngà, mang về phơi khô, chọn lá cùng kích cỡ, độ dày, đem ủi phẳng rồi dán ghép vào khung, sau đó dùng bút lửa để vẽ. Ngày nay thốt nốt không còn nhiều nên lá buông được dùng để thay thế.
“Làm nghề này phải kiên trì, tỉ mỉ, chứ nóng vội, hấp tấp là thất bại. Chẳng hạn khi vẽ, phải làm từ từ vì chỉ cần sơ ý lỡ tay hoặc gấp gáp cho lửa “ăn già” một chút là cháy thủng tấm lá, coi như hư cả bức tranh”, nghệ nhân Thạch Tư nói. Đối với tranh ghép lá, khách chỉ cần đưa bức ảnh chân dung hoặc phong cảnh, ông sẽ làm ra bức tranh tương tự. Những bức tranh phong cảnh thiên nhiên, thắng cảnh chùa Khmer, danh thắng Ao Bà Om… trên lá thốt nốt, lá buông ghép của ông được tỉnh chọn làm những sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh.
Ngoài vẽ tranh bằng bút lửa, nghệ nhân Thạch Tư còn có “nghề” viết chữ trên lá buông. “Ngày xưa kinh kệ ở chùa Khmer thường được viết trên lá buông. Để viết chữ trên lá buông thì phải dùng ngòi viết bằng kim loại mài thật nhọn. Viết xong lấy muội đèn pha với dầu lửa thoa lên rồi đem phơi, khi lá khô lấy dầu lửa lau lại những dòng chữ sẽ hiện ra”, ông chia sẻ.
Là một người tài hoa, nghệ nhân Thạch Tư thành công ở nhiều lĩnh vực. Năm 1986, bức tranh sơn dầu Sự tích trầu cau của ông đoạt giải nhì trong hội thi truyền thống tiểu thủ công nghiệp toàn quốc. Năm sau, bức tranh ghép bằng hạt gạo hình ảnh Bảo tàng Dân tộc Khmer ở Sóc Trăng cũng đoạt giải nhì. Năm 2007, ông được tặng huy chương vàng với tác phẩm Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện bằng chất liệu lá thốt nốt ghép…
Không chỉ có tài làm tranh ghép từ các loại vật liệu như lá dừa, lá tre, hạt gạo, vỏ cây tràm…, ông còn là nghệ nhân chuyên tạc, sửa tượng Phật, trang trí hoa văn chánh điện ở các chùa Khmer. Trong đó, công trình ghi dấu ấn của ông là sửa và nâng tượng Phật Thích Ca nặng hơn 10 tấn đã có hàng trăm năm, lên cao 3 m ở chánh điện chùa Kampong Chray. Từ đó đến nay, ông đã tạc và điêu khắc hàng trăm tượng Phật và tượng các vị thần, 12 con giáp… ở nhiều ngôi chùa vùng tây và đông Nam bộ. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN.
Sát hạch học trò bằng… chuốt bút chì
Lâu nay người đến học nghề với nghệ nhân Thạch Tư không ít nhưng số người theo được nghề và thành công với nghề thì lại không nhiều. Ông cho biết trước khi nhận truyền nghề, ông buộc người học phải qua bài sát hạch đơn giản là… chuốt bút chì: “Chỉ cần nhìn qua cách cầm bút, cầm dao là tôi biết người đó có tố chất, có thể theo nghề được hay không. Chuốt bút chì mà như cầm dao róc mía thì… thôi rồi. Đó là người nóng nảy, cẩu thả, không khéo léo, không làm nghệ thuật được”.
Cũng theo ông thì ngoài tính tỉ mỉ, khéo léo, người làm nghề phải có con mắt nghệ thuật mới tạo ra được những sản phẩm có hồn. Ngoài ra, còn có một yếu tố cực kỳ quan trọng mà nghệ nhân phải có, chính là chữ tâm. Ông nói: “Ngày xưa khi làm bất kỳ sản phẩm lớn nhỏ gì cũng phải sử dụng vật liệu nguyên khối và không tì vết. Chỉ cần sai một nét đục là phá hỏng khối gỗ, khối đá rồi. Còn bây giờ keo, màu và đủ loại hóa chất có thể làm cho sản phẩm từ vật liệu ghép trở nên đẹp mắt hơn, giá thành rẻ hơn. Nhưng làm như vậy sản phẩm sẽ không bền theo thời gian”.
Hoàng Phương/ TNO
Bình luận (0)