Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Độc đáo ngôi nhà 4 tầng tọa lạc trên… cây xoài hơn 80 năm tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngôi nhà hoành tráng trên cây xoài hơn 80 năm tuổi ở thành phố Udaipur, Ấn Độ thu hút đông khách du lịch tới tham quan mỗi ngày.
Thành phố Udaipur, Ấn Độ là nơi tọa lạc của nhiều cung điện hoàng gia, những hồ nước tuyệt đẹp, những ngôi đền độc đáo. Trong số đó, ngôi nhà trên cây của ông Kul Pradeep Singh hiện cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng với kiến trúc và thiết kế độc đáo.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở thường phải đánh đổi bằng việc chặt cây và điều này có tác động đáng kể đến môi trường. Nhưng KP Singh là một kỹ sư quan tâm đến môi trường và hiểu rằng cây cối rất có giá trị. Vì vậy, ông đã xây dựng một ngôi nhà bốn tầng trên cây xoài hơn 80 năm tuổi vào năm 2000 mà không hề làm tổn hại đến cây xoài cổ này.
Kul Pradeep Singh và ngôi nhà nổi tiếng của ông.
Udaipur là một thành phố du lịch nổi tiếng Ấn Độ với lịch sử, văn hóa, các địa điểm danh lam thắng cảnh và các cung điện thời Rajput. Ngôi nhà trên cây độc đáo của Kul Pradeep Singh cũng đã trở thành điểm thu hút sự chú ý của du khách từ năm 2000. Ngôi nhà bốn tầng độc đáo trên cây xoài 80 tuổi nằm cách mặt đất hơn 12 m ở thị xã Chitrakoot, Udaipur, Ấn Độ đón khách tham quan hàng ngày.
KP Singh vừa chăm sóc cây vừa làm nên ngôi nhà mơ ước của mình đồng thời gạt những nhu cầu riêng của mình sang một bên. Singh đã thiết kế ngôi nhà theo những cành cây. Một số cành cây được sử dụng làm ghế sofa và một số làm giá đỡ TV.
Mặc dù ngôi nhà này được xây dựng xung quanh một cái cây, nhưng nó có tất cả những thứ cơ bản như nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ, phòng ăn và thậm chí là một thư viện. Cành cây mọc ra từ nhà bếp và tường phòng ngủ. Trái cây cũng mọc trong nhà.
Kul Pradeep Singh cho biết người dân sống ở đây từng trồng cây ăn quả và kiếm sống bằng nghề bán trái cây nhưng khi khu vực thành phố ngày càng mở rộng thì việc chặt phá cây cũng ngày càng diễn ra thường xuyên. Khoảng 4.000 cây đã bị chặt trong khu vực. 
Thay vì chặt cây, Kul Pradeep không muốn cây xoài lâu năm bị đốn hạ chỉ vì ngôi nhà của mình. Đó là lý do tại sao ông quyết tâ, xây dựng một ngôi nhà trên chính cây xoài này. Kul Pradeep đã tự thiết kế ngôi nhà của mình trên cây mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho cây xoài.
Bên trong ngôi nhà.
Trước khi xây nhà, ông đã làm bốn cây cột xung quanh gốc cây. Trong đó một trụ đóng vai trò như "dây dẫn điện" để nếu có sét đánh trong mùa mưa bão cũng không làm hỏng cây. Xi măng không được sử dụng trong việc xây dựng ngôi nhà này, toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà được làm từ thép. Tường và sàn của ngôi nhà được làm từ các tấm và sợi xenlulo.
Nhà bếp, phòng tắm và phòng ăn được làm ở tầng một, phòng vệ sinh, thư viện được làm ở tầng hai. Ngoài ra còn có một phòng trên tầng ba, có thể mở mái từ trên cao xuống.
Không chỉ có thư viện và TV mà ngôi nhà trên cây này còn có tất cả các tiện nghi cần thiết như đèn, quạt và tủ lạnh. Dù có trang bị quạt nhưng Kul Pradeep khẳng định nhà ông rất mát nên không cần bật quạt. Vì tình trạng sức khỏe của mẹ, Kul Pradeep đã xây một ngôi nhà khác gần đó để mẹ ông có thể sống thoải mái còn KP Singh lại sống trong ngôi nhà trên cây như mơ ước của riêng ông.
Ngôi nhà trên cây xoài hơn 80 năm tuổi. 
Ngôi nhà trên cây độc đáo này đã có tên trong sách kỷ lục Limca và KP Singh cũng đang muốn được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Ngôi nhà trên cây cũng là một điểm thu hút khách du lịch địa phương cho những ai đến thăm Udaipur và muốn tìm hiểu tầm quan trọng của thiên nhiên và kỹ thuật kiến trúc.
Kul Pradeep Singh nói rằng, ông muốn mọi người hiểu rõ về khái niệm nhà trên cây bởi nhiều người đang áp dụng ý tưởng này nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm nhà trên cây, người ta đã chặt những cành cây còn KP Singh thì không muốn làm hỏng bất cứ cành cây nào trong quá trình xây nhà.
Vĩnh Ngọc (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)