Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Độc đáo nhà… trên cây

Tạp Chí Giáo Dục

Hai giáo viên trong nhóm m thut đùa gin vi hai chú sóc đt bên cnh mô hình nhà trên cây ca trưng

“Nhà trên cây” là mô hình do nhóm giáo viên bộ môn mỹ thuật Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) thực hiện, tận dụng từ chính những thanh gỗ pallet cũ xin lại của các nhà xưởng. Theo đó, mô hình gồm 3 căn nhà gỗ nhỏ với những thiết kế độc đáo, đa dạng khác nhau và được đặt trên những nhánh cây xanh trong khuôn viên trường. Mô hình trên lấy ý tưởng từ các chương trình khoa học – giáo dục nước ngoài với những ngôi nhà thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà con người có thể vào ở được, tuy nhiên “Nhà trên cây” của các thầy cô ở Trường THCS Minh Đức đã được “biến thể” thành những mô hình bé xinh, không chỉ tạo cảnh quan mà còn chứa đựng những thông điệp giáo dục ý nghĩa.

“Trong thời gian thực hiện dự án, từ cuối học kỳ II và xuyên suốt mùa hè này, phòng mỹ thuật của trường không khác gì xưởng mộc. Ở đó, thầy và trò cùng đục đẽo, cưa gọt, đo đạc dáng cây để lên bản vẽ cho căn nhà, cùng sơn màu mà các em yêu thích rồi gắn những ngôi nhà đó lên cây… Trong tất cả các công đoạn, các em được trải nghiệm những kiến thức thực tế ngoài sách giáo khoa, được thỏa sức sáng tạo theo những gam màu riêng của mình. Đặc biệt, dự án còn là cách để thầy cô hướng nghiệp cho các em học sinh tiếp cận những ngành nghề như kiến trúc, thiết kế, công trình xây dựng… Và nhất là giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường từ chính sự sáng tạo của mình”, thầy Trần Nguyên Lam (nhóm trưởng nhóm mỹ thuật của trường) chia sẻ. Điều khó nhất khi xây dựng các mô hình nhà, theo thầy Lam, chính là làm sao để thiết kế ra mô hình thực tế, dựa trên những chất liệu gỗ có sẵn nhưng phải phù hợp với dáng cây. Điều này lại kích thích khả năng sáng tạo, sức bền của các em học sinh.

Yêu thích vẽ tranh, với Mỹ Anh (học sinh lớp 8), những trải nghiệm khi đồng hành cùng dự án vô cùng bổ ích. “Chúng em vừa chơi, vừa học. Em thấy tự hào khi mình cũng góp một phần nho nhỏ cho những mô hình nhà bé xinh, để tạo ra những điều bất ngờ cho các bạn khi vào năm học mới”, Mỹ Anh vui vẻ nói. Hiện tại, trong ngôi nhà nhỏ nhất đang nuôi 2 chú sóc đất. Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) kỳ vọng khi sóc đã dạn dĩ sẽ đi từ ngôi nhà này đến ngôi nhà kia qua chiếc thang dây. “Đó hẳn là một cảnh tượng đẹp. Trường học gần gũi với thiên nhiên, chan hòa với thiên nhiên. Đó có thể là động lực, là niềm vui nho nhỏ của học sinh mỗi ngày đến trường. Khi học môn sinh học, học sinh có thể ra sân trường để tìm hiểu về sóc; khi học mỹ thuật, các em lại tìm hiểu về các thiết kế nhà… Mở rộng phương pháp dạy học trải nghiệm từ chính thiết chế của trường”, cô An bày tỏ. Đồng thời, theo cô An, mô hình “Nhà trên cây” có thể là tiền đề để thầy cô thực hiện thêm nhiều điều mới mẻ cho học sinh trong năm học mới.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)