Ông Hùng đang hướng dẫn một em học sinh chọn sách |
Nằm khép mình bên một trường học, ngôi nhà nhỏ dành trọn gian phòng chừng hai mươi mấy mét vuông cho cả một thế giới chữ. Hơn 4.000 đầu sách và các tạp chí được dàn trải kín trên những chiếc kệ ở hai bên, vài bộ bàn ghế kê giữa lối đi còn lại. Đây là thư viện tư nhân đầu tiên được thành lập ở tỉnh Phú Yên, mang tên mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau.
Tâm nguyện của mẹ
Chủ nhân ngôi nhà nói trên là ông Phạm Ngọc Hùng, con của mẹ Rau. Ở cái tuổi đã ngoài 70, ông Hùng hạnh phúc với công việc mỗi sáng thức dậy là kiểm kê lại số đầu sách có trong thư viện nhỏ của mình, chuẩn bị cho độc giả là những người bạn hưu trí ghé ngang mượn vài ba cuốn sách sau buổi tập thể dục, và tiếp sau là các em học sinh tranh thủ vào mượn, trả sách trước giờ vào lớp.
Thư viện nằm trên địa bàn phường Phú Đông, thuộc TP.Tuy Hòa. Đây là một làng biển nghèo nhưng hiếu học, điều đặc biệt là người dân nơi đây luôn cảm thấy mình “đói” sách và “khát” chữ. Thư viện mở ra, dù hoạt động chưa chuyên nghiệp, cơ sở còn chưa hoàn chỉnh nhưng có được ngày hôm nay quả là điều không dễ. Ông Hùng cho biết: “Sinh thời, mẹ tui nhìn thấy các cháu sau buổi tan trường thường hay la cà, lêu lổng nên mẹ buồn và bảo tui rằng mẹ muốn mở một phòng đọc sách để các cháu có nơi mở mang cái đầu”.
Nhưng mẹ Rau nghèo, bấy giờ tiền phụ cấp danh hiệu Mẹ VNAH chỉ lo được ngày ba bữa thì lấy đâu ra tiền mở phòng đọc sách? Còn hai vợ chồng ông Hùng với đồng lương hưu ít ỏi lại phải nuôi 4 người con đang tuổi ăn tuổi lớn thì không biết phải xoay xở như thế nào? “Cho đến khi mẹ Rau mất, niềm mong mỏi ấy tôi vẫn không thực hiện được” – ông Hùng bùi ngùi nói thêm. Và phải đợi đến năm 2007, tức 7 năm sau ngày mẹ Rau mất, khi gia đình đã bớt phần chật vật, ông Hùng mới có thể quyết tâm thực hiện ý nguyện của mẹ mình.
Đóng góp của cộng đồng
Thực hiện ý nguyện, ông Hùng bắt đầu đi “gõ cửa” khắp nơi để xin giấy phép dù rằng có không ít người ái ngại cho ý tưởng của ông. Cuối cùng, cảm tấm lòng của một người con hiếu thảo, nhiều đơn vị, cá nhân đã chung tay giúp ông xây dựng nên thư viện tư nhân mang tên mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau.
Ngày 20-11-2007, thư viện ra đời với 1.000 bản sách, trong đó Thư viện tỉnh Phú Yên hỗ trợ hết 500 bản, còn lại ông Hùng tự mua bằng số tiền nhỏ bé cả một đời tích cóp. Trên kệ sách khiêm tốn ấy có cả những bộ sách đã nhuốm màu thời gian như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang… được mang về từ Liên Xô khi ông Hùng còn là kỹ sư cơ khí tu nghiệp ở đất nước này.
Bây giờ, thư viện đã có hơn 4.000 đầu sách và rất nhiều báo, tạp chí do Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia và các cơ quan báo đài gửi tặng. Riêng Thư viện Phú Yên luân phiên cho mượn 200 cuốn sách từ 1 đến 3 tháng. Ông Hùng cho biết, mỗi năm ông luôn dành một khoản tiền để mua thêm nhiều loại sách báo mới xuất bản để phục vụ bạn đọc. Các cán bộ hưu trí, bạn đọc cũng thường mang sách, tạp chí đến góp.
Ông Hùng kể: “Nhiều công ty ủng hộ tiền, biểu tui mua sách về cho bà con đọc. Cả những chị mua bán phế liệu cũng đóng góp cho thư viện 1, 2 quyển khi họ mua được một quyển sách hay, còn lành lặn…”. Còn về nghiệp vụ, ông Hùng nói đã cử luôn cô cháu gái đi học khóa quản trị thư viện ngắn hạn do Thư viện tỉnh Phú Yên tài trợ.
Niềm mong mỏi lớn nhất của ông bây giờ là ước mong mọi người cùng chung tay xây dựng thư viện để tâm nguyện cuối cùng của người mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện trọn vẹn. Đồng thời duy trì làm sao cho thư viện không bị “đứt gánh giữa đường” khi một ngày nào đó ông Hùng không còn trên cõi đời này nữa.
Đừng để sách… “ngủ”
Tôi bắt chuyện với nhiều cô cậu học trò đến xin đọc sách. Các em cho biết nhờ có thư viện này mà đã đọc được rất nhiều loại sách, nâng cao thêm hiểu biết. Em Nguyễn Đình Khoa, học sinh lớp 9, nhà ở tận xã Hòa Thành – cách thư viện 15 cây số khoe: “Tuần nào em cũng tranh thủ đến đọc sách 3, 4 lần”. Còn anh Sơn, cán bộ phường Phú Đông, cho biết: “Từ khi có thư viện, người lớn chẳng những có nơi đọc sách báo, bàn luận thời sự mà quý hơn hết là các em học sinh bớt sa đà vào những trò chơi có hại. Tình trạng cờ bạc, gây mất trật tự an ninh của địa phương giảm hẳn…”.
Hoạt động liên tục từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, thế nhưng khi bạn đọc có nhu cầu thì 9, 10 giờ đêm gia đình vẫn mở cửa đón tiếp. Khi được hỏi về những thu chi của thư viện, ông Hùng mỉm cười, nói: “Cái tui thu về lớn nhất chính là niềm vui, vui vì đã thực hiện được tâm nguyện của mẹ Rau, vui vì càng ngày càng có nhiều người đến đọc và mượn sách. Sách đọc tại chỗ thì miễn phí còn ai mượn về thì 500 đồng/cuốn/ngày, coi như tiền đóng góp để mua sách mới”.
Thấy tôi ngạc nhiên với ý nghĩ cho thuê 500 đồng/cuốn, làm sao tránh khỏi việc thất lạc sách, ông Hùng giải thích thêm: “Tui nghĩ người ta sống với nhau bằng sự tin tưởng. Vả lại, tui có nói với các cháu học sinh là khi mượn sách về chừng nào đọc xong hãy cố gắng mang trả lại, đừng để sách “ngủ quên” trong khi người khác thì không có đọc, như thế là phí lắm!”.
Ông Trương Quốc Bảo, Phó chủ tịch Chi hội Thư viện tỉnh Phú Yên nhìn nhận: “Thư viện tư nhân Dương Thị Rau đã giúp cho người dân làng biển tiếp cận được với sách báo khi không có điều kiện để đến với các thư viện Nhà nước, khi mà ngành văn hóa cũng chưa thể “với tay” tới được. Trong khi khắp nơi đang nhộn nhịp với phong trào xây dựng “thôn, xóm… văn hóa” thì những việc làm của ông Hùng hiện lên như một chấm xanh hy vọng của một xã hội học tập, một nét văn hóa đằm thắm của làng quê… Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã mất nhưng vẫn tiếp tục giáo dục con cháu đời sau. Đó là một ý nghĩa lớn của một thư viện mang tên mẹ Việt Nam anh hùng”. Box: Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau sinh năm 1915 tại Phú Yên có chồng và hai con là liệt sĩ. Thư viện mang tên mẹ chính là thư viện tư nhân đầu tiên ở tỉnh Phú Yên và là một trong 18 thư viện tư nhân của cả nước. Thư viện hàng ngày phục vụ hơn 50 lượt bạn đọc; đồng thời cũng là trụ sở và nơi sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh phường, nơi gặp gỡ thường xuyên của các cụ hưu trí.
|
Tuyết Dân
Bình luận (0)