Nếu quan sát cách mọi người đọc thông tin trên màn hình điện thoại hay máy tính, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người hiện đang quen dần với cách đọc lướt: đọc khá kỹ câu đầu rồi sau đó mắt sẽ đảo theo hình chữ F hay Z, tức chỉ lướt qua các từ chính trong câu để nắm được ý chính rồi tiếp tục lướt cho đến hết.
Đây là một xu hướng đáng lo ngại mà theo một nhà nghiên cứu viết trên tờ The Guardian có thể dẫn đến các tiến hóa bất ngờ trong não người.
Maryanne Wolf, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rối loạn khả năng đọc tại Đại học UCLA, cho rằng cách đây 6.000 năm, kỹ năng đọc dẫn đến việc hình thành những đường dẫn thần kinh mới trong não bộ con người; tiến hóa từ khả năng giải mã những thông tin đơn giản như số lượng bò trong đàn bò cho đến kỹ năng đọc hiểu các câu văn phức tạp ngày nay.
Kỹ năng đọc hiểu đã giúp tạo ra những quy trình rất cần thiết cho con người như khả năng suy luận logic, tổ chức kiến thức, phân tích tình hình và cả khả năng dự báo kiến thức chưa từng tồn tại.
Thế nhưng nhiều nghiên cứu khắp thế giới cho thấy kỹ năng đọc hiểu sâu như thế đang bị đe dọa bởi cách đọc lướt trong không gian kỹ thuật số. Một khi môi trường con người sinh sống tràn ngập thông tin, trong đó đa phần là thông tin nhiễu, không cần thiết, họ sẽ dần thích nghi bằng cách đọc lướt.
Trong cuộc sống đa nhiệm, tức cùng lúc vừa trả lời e-mail, vừa nghe nhạc vừa đọc lướt thông tin mới trên mạng xã hội, con người phải chọn cách đọc sao cho hiệu quả nhất đối với họ. Điều này dần dần sẽ tập cho họ thói quen đọc lướt ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bên cạnh đó, các tên tuổi công nghiệp như Google, Facebook tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của chúng ta bằng nhiều thủ thuật như giới thiệu video ngày càng sát với nhu cầu thưởng thức của người xem trên YouTube. Kết quả là con người ngày càng ít có thời gian đọc chậm, đọc và nghiền ngẫm, phân tích, suy luận, tìm sự đồng cảm, lắng nghe sự rung động như ngày xưa.
Maryanne Wolf cho biết ngày càng ít có sinh viên đăng ký các môn học văn chương cổ điển vì họ không còn sự kiên nhẫn để đọc các cuốn sách dày cộm nữa. Điều đáng lo hơn là sự mất kiên nhẫn này còn dẫn đến việc sinh viên cũng không hiểu luôn các bài viết dài, phức tạp, lập luận nhiều tầng thường thấy ở bậc đại học. Thậm chí khảo sát còn cho thấy người dân không hiểu hết các chính sách phức tạp, họ chỉ chú ý đến những điểm nổi bật do báo chí tô đậm và thường là đầy thiên kiến.
Một trong những nguyên nhân là sự khác biệt giữa đọc trên màn hình và đọc trên giấy. Nhà tâm lý học người Na Uy, Anne Mangen thử nghiệm đo lường sự khác biệt này bằng cách cho hai nhóm học sinh cùng đọc một tiểu thuyết các em ưa thích, một nửa đọc trên Kindle, một nửa đọc trên giấy. Kết quả cho thấy học sinh đọc tiểu thuyết trên giấy hiểu rõ tác phẩm hơn học sinh đọc trên Kindle, đặc biệt kỹ năng kể lại cốt truyện theo đúng trình tự thời gian.
Đọc trên màn hình dễ lướt hơn đọc trên giấy; tâm lý đọc trên màn hình khác tâm lý đọc trên giấy, người đọc cứ cho rằng họ chỉ đọc qua cho biết nên không còn thời giờ dành cho mọi sự phức tạp, để thấu hiểu tâm lý người viết hay cảm nhận được cái đẹp của lời văn nữa. Thông tin trên màn hình không tạo một không gian riêng tư giữa người đọc và nội dung đang đọc nên người đọc khó lòng hòa nhập vào môi trường người viết muốn tạo ra.
Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện tác hại của việc đọc trên màn hình có thể xuất hiện rất sớm, từ độ tuổi lớp 4 lớp 5 và ảnh hưởng không những đến khả năng hiểu mà còn đến việc hình thành cảm xúc, nhân cách của các em nữa.
Các tác phẩm văn học thường được kỳ vọng dạy cho các em lòng tự trọng, sự cảm thông, lòng dũng cảm… nhưng đọc lướt thì làm sao tạo được những cảm xúc này. Tương tự, người lớn khi đọc lướt tin tức hay mạng xã hội sẽ để tâm lý bị chi phối thoáng qua theo xúc cảm đám đông chứ ít khi đọc chậm lại để chiêm nghiệm và có cảm xúc riêng của mình.
Giáo sư Maryanne Wolf cho rằng một quy luật của khoa học thần kinh giờ vẫn còn đúng: đó là cái gì không dùng sẽ mất đi. Kỹ năng đọc chậm để hiểu sâu nếu con người không chịu dùng vì môi trường kỹ thuật số sẽ dần mai một. Nhưng hiện nay con người vẫn còn khả năng sử dụng kiến thức và công nghệ của mình để thay đổi cách đọc trước khi các sợi thần kinh mới hình thành cách đây 6.000 năm biến mất hẳn.
Lý tưởng nhất là đào tạo cho não bộ thêm các sợi thần kinh mới để vừa có kỹ năng đọc lướt nhằm đối phó với các dòng thác thông tin vừa có kỹ năng đọc chậm để hiểu cho tường tận cuộc đời này.
Bình luận (0)