Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đọc sách cùng con

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ là những người đầu tiên định hướng đọc sách và thiết lập thói quen đó cho con ngay từ khi mang thai đến khi sinh ra và trưởng thành.

Việc đọc sách từ nhỏ sẽ giúp bé nhận thức tốt hơn. Tuy nhiên, ngày nay, trẻ thường tập trung chơi ipad, máy vi tính, điện thoại. Cha mẹ đừng sát hại tuổi thơ của con bằng những sản phẩm công nghệ này. Thay vào đó, hãy đọc sách cùng con để nuôi dưỡng tâm hồn chúng.

Đọc sách cùng con ở mọi độ tuổi

Dù con bạn ở bất cứ độ tuổi nào, bạn cần đọc sách chung với con. Bởi từ tháng thứ 7 của thai kì, em bé của bạn đã nghe thấy những gì đang xảy ra bên ngoài tử cung, đặc biệt là âm thanh giọng nói của bạn.

Đọc những cuốn sách bạn thích, đọc báo hàng ngày, phát âm thật to, rõ ràng sẽ thúc đẩy quá trình học chữ từ nhỏ khi bé được sinh ra.

Doc sach cung con
Cùng con đọc sách để hiểu tâm lý của trẻ hơn (Ảnh minh họa)

Đọc sách cùng con để hiểu tâm lý, tìm thấy tiếng nói chung với con, tránh tình trạng trẻ sống trầm, cô độc và có những hành động nổi loạn.

Nên đọc sách gì?

Khi trẻ chưa biết đọc, tiêu chí chọn sách là: những cuốn sách kích thích ham muốn nghe, đọc của trẻ; phát triển trí tưởng tượng, sự trong sáng ngây thơ của trẻ. Thông thường, độ tuổi này bé thích những cuốn có màu sắc đẹp, nổi bật, ít chữ bởi chúng tư duy bằng hình ảnh. Nên đọc cho trẻ nghe để trẻ có thể cảm nhận qua giọng nói của bố mẹ.

Còn lứa tuổi đã biết đọc, tránh để trẻ tiếp xúc với những sách làm lệch lạc hoặc quá sức với bé. Bạn nên mua những loại sách văn học phù hợp với độ tuổi, sách hạt giống tâm hồn, hay sách giáo dục giới tính, kĩ năng sống… để giúp bé tăng vốn từ vựng, hiểu về những kiến thức cơ bản, kĩ năng cần thiết ứng xử trong đời sống, học cách chia sẻ, yêu thương.

Cha mẹ nên chú ý, tránh mua truyện tranh cho trẻ vì truyện tranh làm cho vốn từ vựng của bé nghèo nàn.

Đọc sách mọi nơi

Ở bất cứ phòng nào trong nhà bạn, bất cứ hoạt động vui chơi nào cùng bé, chúng ta đều có thể đọc sách.

Bạn có thể đọc sách cùng con trên những chuyến xe/chuyến tàu đường dài giúp câu chuyện về chuyến phiêu lưu của gia đình trở nên thú vị, hấp dẫn.

Doc sach cung con
Cha mẹ có thể đọc sách cùng con ở mọi nơi (Ảnh minh họa)

Hay những lần cuối tuần đi công viên, cắm trại có không gian thoáng mát, trong lành cũng tạo điều kiện phù hợp cho việc đọc sách.

Đọc sách mỗi ngày

Cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để đọc sách cùng con. Bạn có thể đọc sách cho con vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Buổi sáng là thời điểm bé tỉnh táo nên bé khá nhạy bén, dễ dàng ghi nhớ nhanh những từ ngữ, câu chuyện mà chúng ta kể. Còn buổi tối, những câu chuyện êm dịu là lựa chọn tuyệt vời đưa bé vào giấc ngủ.

Nếu bạn có 2 con trở lên, bạn cần đọc những câu chuyện, dạy những bài học khác nhau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn nên kết hợp đọc chung, vì ham muốn tìm tòi của trẻ.

Việc đọc sách thường xuyên là cách chúng ta truyền đạt thông điệp quan trọng đến với trẻ: Sách là tài nguyên vô cùng đáng giá, cần biết quý trọng, nâng niu và kiến thức là vô hạn.

Đọc như thế nào?

Đối với trẻ chưa biết đọc chữ, bạn nên đọc to, rõ ràng, chậm rãi, diễn cảm, nhấn nhá vào những từ quan trọng giúp bé cảm nhận được cảm xúc, giọng điệu của nhân vật trong câu chuyện.

Còn đối với trẻ đã biết đọc, bạn và bé sẽ phân vai diễn, hai người cùng tham gia vào câu chuyện sẽ giúp bé ghi nhớ cốt truyện tốt, hiểu lời thoại hơn.

Doc sach cung con
Cha mẹ cùng con sáng tạo thêm câu chuyện (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, hãy sáng tạo thêm những câu chuyện về chính bạn, về con của bạn thật hấp dẫn, lôi cuốn. Từ đó, nó sẽ giúp bé có trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo.

Cùng nói về câu chuyện

Sau mỗi cuốn sách, cha mẹ giúp trẻ giải đáp những thắc mắc khi bé không hiểu. Những câu hỏi dễ, khó hoặc dạng mở mà cha mẹ đưa ra sẽ giúp bé tư duy và trả lời chúng.

Bạn cần hỏi bé hiểu gì và học được gì từ câu chuyện. Hoặc, đôi khi chúng ta nên dành thời gian cho trẻ suy nghĩ về cuốn sách đó.

Kèm theo việc đọc sách, bố mẹ nên dạy con bài học biết giữ gìn sách. Đó là bài học quý trọng đối với sách.

 

Nguyệt Minh (T.H)/ PNO

 

Bình luận (0)