Sự kiện nhà toán học Ngô Bảo Châu giành huy chương Fields (được xem như giải Nobel toán học) báo chí đã nói đến nhiều, nhưng cuốn sách Ngô Bảo Châu, một “Nobel toán học” vừa phát hành có lẽ vẫn sẽ được nhiều người, nhất là các bạn trẻ tìm đọc.
Trước hết, tác giả Hàm Châu là một cây bút chuyên viết về những sự kiện, những nhân vật khoa học nổi tiếng ở trong nước và thế giới mấy chục năm qua, nên có điều kiện cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn không chỉ là “toàn cảnh” về quá trình dẫn đến thành tích nổi bật của Ngô Bảo Châu, mà còn là “toàn cảnh” về những hoạt động toán học chủ yếu trên thế giới. Từ đó, chúng ta càng hiểu kết quả mà Ngô Bảo Châu đạt được thật là đặc biệt.
Sách do NXB Dân Trí ấn hành
Chỉ cần dẫn vài con số trong chương “Nhìn sang Hàn Quốc để mà lo” sẽ thấy: năm 2007 Hàn Quốc có 192 trường đại học, trong đó 162 trường có đào tạo cử nhân toán, còn ở Việt Nam chỉ có 15 trường… Và kinh phí nhà nước Hàn Quốc dành cho toán học đã nhiều hơn toàn bộ kinh phí Nhà nước Việt Nam dành cho khoa học và công nghệ… Vậy nhưng đối với huy chương Fields, Hàn Quốc cũng như nhiều nước giàu, có nền đại học phát triển khác, vẫn đang là giấc mơ (thế giới mới chỉ có 15 quốc gia có người đoạt huy chương này).
Về giá trị của huy chương Fields so với các giải Nobel khác, tác giả Hàm Châu từ dòng chữ nổi phía sau tấm huy chương, đã có một nhận xét thú vị. Dòng chữ đó là “Các nhà toán học khắp thế giới đồng tình trao tặng vì những công trình xuất sắc” (nguyên văn chữ Latin); còn giải Nobel chỉ là sự công nhận của viện hàn lâm khoa học một nước.
Nhân nhắc đến giải thưởng xin dẫn “Một thiên tài cô đơn, khổ hạnh” (trong phần “phụ lục” cuốn sách). Người đó là nhà toán học Nga G. Y. Perelman, sinh năm 1966 – người duy nhất từ chối nhận huy chương Fields (năm 2006) và sau đó (tháng 3-2010) từ chối cả giải thưởng Clay với giá trị 1 triệu USD vì đã giải được một trong bảy bài toán thiên niên kỷ. Hẳn là không mấy ai noi gương sống khổ hạnh, xem thường danh vọng, vật chất đến mức cực đoan như ông, nhưng thiết nghĩ những người làm khoa học (và cả nghệ thuật) muốn đạt được đỉnh cao thì cần phải có phẩm chất ấy.
Tôi nghĩ Ngô Bảo Châu cũng là một con người như vậy vì anh đã dùng toàn bộ giải thưởng Fields để lập học bổng và quan trọng hơn, anh đã chọn Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ) làm nơi “đậu”, sau khi được rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cũng đáng gọi là “đất lành” nhiệt tình mời gọi “cánh chim đại bàng” toán học Ngô Bảo Châu. Tác giả đã dành nhiều trang – gần như là ngoại đề – cho Viện Princeton vì “phẩm chất” đặc biệt của nó: “Lấy việc theo đuổi tri thức làm mục đích cuối cùng. Những tri thức quan trọng làm thay đổi cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta sống được tìm ra bởi những nhà nghiên cứu tò mò khám phá thế giới chưa từng biết, hơn là những nghiên cứu có tính mục đích…”. Ngô Bảo Châu dám chọn “15 năm cô đơn với bổ đề cơ bản” như Hàm Châu đã viết là vì thế.
Như thế, trong lúc nói về thành tích toán học, giải thích (sơ bộ) cho bạn đọc hiểu “bổ đề cơ bản”, tác giả đã đồng thời nêu bật nhân cách Ngô Bảo Châu. Và Hàm Châu đã tìm về cội nguồn làm nên nhân cách đó, từ hoàn cảnh xuất thân bên nội và cả bên ngoại đến tấm gương những người thầy và những năm gian khó thời chiến tranh…
Chính trong những ngày Ngô Bảo Châu bước lên bục vinh quang, tác giả còn “dẫn” chúng ta “theo bước lữ hành xuyên Việt” cùng các nhà khoa học Pháp Trần Thanh Vân, Odon Vallet trao 2.150 suất học bổng Vallet với tổng giá trị 12 tỉ đồng cho sinh viên, học sinh giỏi ở cả ba miền đất nước, để chúng ta hiểu thêm Ngô Bảo Châu là một đỉnh cao đặc biệt nhưng không hoàn toàn bất ngờ, và chúng ta có thể tin tưởng ở những thế hệ tiếp bước Ngô Bảo Châu…
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)