Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dốc sức đầu tư những kịch bản ăn khách

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng tác kịch bản sân khấu rất quan trọng, kịch bản phải hay và được khán giả yêu thích thì sân khấu mới có thể sáng đèn

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư sáng tác kịch bản chất lượng cao để cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước.

Sức sống trường tồn

Trong buổi tọa đàm "Nghệ sĩ và sàn diễn" ngày 20-9 do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức với chủ đề "Những vấn đề sân khấu hôm nay", NSND Trịnh Thúy Mùi – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – cho biết sân khấu Việt Nam đang đứng trước tình trạng suy thoái về kịch bản, các trại sáng tác vẫn được tổ chức nhưng chưa quá 30% kịch bản được sử dụng.

TS-NSƯT Bùi Như Lai, Trưởng Khoa Sân khấu – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho rằng giải pháp để cải thiện tình trạng "chỉ sử dụng chưa quá 30%" kịch bản từ các trại sáng tác là các tác giả cần phải hướng đến những giá trị cốt lõi của con người trong kịch bản. Thực tiễn đời sống hôm nay rất cần những kịch bản có nội dung về con người ứng xử với thiên nhiên, quan hệ giữa người với người, con người ứng xử với các mối quan hệ xung quanh mình…

"Nhìn lại lịch sử của sân khấu nước nhà, chúng ta đã có những nhà văn, nhà viết kịch tên tuổi, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… Tại sao tác phẩm của họ lại có sức sống trường tồn như vậy? Bởi vì những giá trị mà họ hướng đến là những giá trị nhân văn, giải quyết vấn đề về con người, con người gắn liền với thời đại… Những nội dung này dù có qua bao nhiêu năm tháng nó vẫn còn nguyên giá trị" – TS Bùi Như Lai nhấn mạnh.

Nói về hướng khắc phục cho tình trạng khan hiếm nguồn kịch bản sử Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi cho hay sắp tới Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ mời các nhà sử học tham gia các chuyên đề đến nói chuyện, trao đổi để lực lượng tác giả trẻ nắm bắt tinh thần lịch sử của từng giai đoạn, đồng thời hiểu rõ hơn về các vị anh hùng dân tộc và chọn góc nhìn của tác giả để sáng tác.

"Diễn lại câu chuyện lịch sử thì người sáng tác có quyền hư cấu. Song không được sai lệch lịch sử dân tộc, truyền thống ngàn đời làm nên hồn thiêng đất Việt" – NSND Trịnh Thúy Mùi nói.

Dốc sức đầu tư những kịch bản ăn khách - Ảnh 2.

Các tác giả sân khấu TP HCM tham quan bảo tàng “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: Thanh Hiệp

Thay đổi tư duy sáng tác

Các nhà chuyên môn cho rằng một trong những nguyên nhân khan hiếm kịch bản ăn khách là do thiếu sự đầu tư, dẫn đến tình trạng thiếu các vở diễn mang hơi thở cuộc sống đương đại.

Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ kinh nghiệm bản thân: "Tôi đã đồng hành nhiều năm với sân khấu Hoàng Thái Thanh, điều quan trọng nhất là cần phải gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với nhau. Có như vậy những ý tưởng sáng tác kịch bản mới sát sườn với sàn diễn, với đời sống. Tôi sáng tác cho sân khấu Hoàng Thái Thanh 10 kịch bản, trong đó có 3 kịch bản đến phút cuối phải ngưng. Lý do là kịch bản còn nhiều lỗ hổng cần phải được gia cố, chỉnh sửa. Thất bại trong sáng tác là chuyện thường. Nếu chăm chút đầu tư kỹ thì vẫn sẽ có những kịch bản hay ăn khách".

NSƯT Ca Lê Hồng góp thêm: "Muốn có kịch bản hay, kịch bản ăn khách thì phải đầu tư. Nhưng không phải đầu tư là rót kinh phí thì sẽ có kịch bản hay, mà cần đầu tư đào tạo đội ngũ sáng tác trẻ, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trung niên và đặt hàng các tác giả đã khẳng định tên tuổi".

Trong thời gian vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn liên tiếp mở những liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm định kỳ 3 năm một lần. Mục tiêu cho những liên hoan này là tạo điều kiện cho lực lượng sáng tác trong nước học hỏi từ nghệ thuật thế giới, qua đó thay đổi tư duy sáng tác theo hướng hiện đại.

Mới đây Chi hội Tác giả thuộc Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức các chuyến đi thực tế, tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử TP qua đó có thêm những chất liệu sống động để sáng tác những kịch bản chất lượng cao về cuộc sống hôm nay qua góc nhìn từ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)