Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đọc và lập dàn ý trước

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với mình, văn chương là niềm đam mê, mình luôn cảm thấy hứng thú mỗi khi học hay đọc một tác phẩm, một bài thơ nào đó. Theo mình, sau khi đọc xong một bài văn, một tác phẩm, các bạn nên gấp sách và cố suy nghĩ xem trong đầu “đọng” lại những gì rồi ghi các ý chính của mỗi đoạn ra giấy để đối chiếu với trí nhớ của bản thân. Ở lần đọc tiếp theo, những chi tiết vừa ghi ra giấy sẽ “ngấm” vào đầu chúng ta.
Để hệ thống được kiến thức và nhớ lâu hơn, sau khi nắm được ý chính, chúng ta cần phải học thuộc những câu dẫn chứng trọng tâm của một đoạn văn hay toàn bộ tác phẩm. Vì dẫn chứng là một yếu tố giúp bài viết của chúng ta sinh động, hấp dẫn hơn, nên các bạn học càng nhiều dẫn chứng càng tốt. Không nên học thuộc quá nhiều mà chỉ cần học những câu hoặc đoạn văn hay trong một tác phẩm. Bên cạnh đó các bạn cần chú ý, dẫn chứng đưa vào phải thật chính xác.
Luyện viết thường xuyên cũng là cách hay, mình thấy việc này rất có hiệu quả. Khi viết lại các ý chính, mình có thời gian trau chuốt câu văn, rà soát các lỗi chính tả thường mắc phải. Luyện viết thường xuyên sẽ giảm được rất nhiều căng thẳng cho các bạn khi vào phòng thi, nếu được, các bạn cũng nên tìm nhiều từ đồng nghĩa để làm mới bài văn của mình.
Đọc thêm nhiều sách tham khảo cũng là một cách giúp tăng cường vốn từ vựng và khả năng nhớ dẫn chứng của mỗi người. Tuy nhiên, các bạn nên chọn những cuốn sách tham khảo có nhiều dạng đề nghị luận, chất lượng, để nắm được cách lập luận và triển khai các ý ở nhiều dạng đề khác nhau. Thường mình cũng đi nhà sách để đọc nhưng không nhiều bằng vào thư viện. Mình thường xuyên lên thư viện trường tìm sách hay để đọc nhằm bổ trợ kiến thức.
Trần Thị Nhàn Thanh
(lớp 12 chuyên văn – Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, HCV môn văn cấp quốc gia 2010)

Bình luận (0)