Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Đói ăn, không để đói chữ”

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi sáng đến trường, buổi chiều em phải lên rừng đi kiếm củi về bán. Cứ như thế ròng rã suốt 9 năm học cấp 1 và cấp 2, em Cầm Trọng Lực, xóm 5, xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa luôn là học sinh giỏi, được bạn bè và thầy cô yêu quý.
Cậu học trò nghèo Cầm Trọng Lực sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tuổi thơ em phải trải qua nhiều vất vả, mất mát. Mẹ Lực mất sớm vì căn bệnh hiểm nghèo do không có tiền chữa trị. Người cha là trụ cột trong gia đình nhưng lại hay uống rượu, rồi bỏ nhà đi làm ăn xa đến nay vẫn chưa về.
 Lực là con thứ hai trong gia đình, từ ngày còn bé, ba anh em Lực luôn phải nương tựa vào nhau trong căn nhà xập xệ sống qua ngày. Tất cả công việc lớn bé trong nhà cả ba anh em Lực đều phải gánh vác. Đôi lúc phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình người chú ruột.
Người anh trai cả của Lực vì gia đình khó khăn nên cũng đi làm ăn xa. Còn Lực và người em sinh đôi của mình đã được một người tốt bụng ở thành phố Thanh Hóa nhận đỡ đầu và xin cho em xuống thành phố học. Hiện Lực đang học lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. So với bạn bè cùng trang lứa, Lực nhỏ con hơn rất nhiều. Nhưng ánh mắt em luôn toát một niềm tin vào cuộc sống và nghị lực vượt lên hoàn cảnh.
Ngoài giờ học, Lực tranh thủ lên đồi kiếm củi.
Thiếu vắng sự che chở của cha mẹ, cuộc sống của ba anh em Lực nhiều lúc lâm vào cảnh không lối thoát. Nhưng cũng chính cuộc sống thiếu thốn, vất vả đã sớm hun đúc cho Lực có một ý chí tự lập vươn lên trong cuộc sống. “Dù khó khăn đến đâu em cũng không sợ khổ, chỉ sợ không được đến trường học thôi!”, Lực tâm sự.
Cuộc sống thiếu thốn và khổ cực nhưng lúc nào Lực cũng khát khao được đến trường, Lực luôn quyết tâm “đói ăn không để đói chữ”. Những ngày còn học cấp 2 ở quê, hàng ngày, buổi sáng đến trường, buổi chiều em lên rừng kiếm củi về bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và lo tiền học.
Có những ngày Lực thức dậy từ mờ sáng đi sâu vào trong rừng hái củi cho đến lúc trời tối mịt cũng chỉ kiếm được hai bó củi mang về. Bình thường, một chuyến đi như thế mang về bán cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, một phần em đong gạo ăn, một phần để dành đóng tiền học, mua sách vở, phần còn lại trang trải cuộc sống lúc ốm đau…
Tuy chịu khó nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, có những hôm gặp trời mưa lụt, không lấy được củi phải về tay không. Có lần vào rừng trèo lên cây bị ngã từ trên cao xuống Lực ngất lịm cả tiếng đồng hồ, tỉnh dậy toàn thân ê ẩm. Những khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày cũng không làm em chùn bước. 
Ngày còn ở nhà, góc học tập không có, đến bộ bàn ghế ngồi học cũng không có, chiếc giường thường là nơi em chọn làm góc học tập của mình. Vậy mà suốt 9 năm học ở quê, Lực luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường. Tháng 10/2009, em vinh dự được nhận suất học bổng từ Quỹ khuyến học Doãn Tới. 
Chưa bao giờ Lực có ý định bỏ học dù cuộc sống còn muôn vàn
khó khăn đón đợi em phía trước.
 Chăm chỉ học hành, trong giờ học trên lớp, Lực chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài. Lực thường xuyên chia sẻ kiến thức, giúp đỡ bạn bè nên em luôn được thầy cô giáo và bạn bè yêu quý. Cuộc sống khó khăn, không có điều kiện mua sách tham khảo, đi học thêm nên buổi tối em thường mang sách vở đến nhà thầy giáo nhờ phụ đạo, có hôm khuya quá phải ngủ lại nhà thầy giáo.
Chia sẻ ước mơ của mình, Lực cho biết: “Lớn lên em thích làm bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho người nghèo và tìm ra phương thuốc chữa bệnh máu trắng cho những người không may bị như mẹ!”.
Theo Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)