Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đôi bạn và thiết bị chưng cất nước ngọt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với sáng chế “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển”, hai sinh viên Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Duy Linh (khoa môi trường & tài nguyên thiên nhiên ĐH Cần Thơ) đã vượt qua 100 đề tài khác, đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Holcim Prize 2011 vào cuối tháng 9 vừa qua.

Duy Linh (trái) và Ngọc Anh làm thí nghiệm tại trường – Ảnh: MINH TÂM
Đề tài của Ngọc Anh và Duy Linh đang được Công ty Holcim và Tổ chức AFAP chọn để ứng dụng vào cuộc sống ở hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng.
Ý tưởng sáng chế thiết bị chưng cất nước ngọt cho người dân miền biển đến với Duy Linh bắt đầu từ việc chứng kiến cảnh khó của bà con trong việc thiếu nước sinh hoạt. Duy Linh kể: “Lần đó, mình và Ngọc Anh về quê người bạn thân ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, chứng kiến cảnh bà con vất vả vì thiếu nước ngọt, phải đi xa mua với giá 116.000 đồng/m3. Tụi mình quyết làm điều gì đó để thay đổi cảnh này…”. Cả hai vùi đầu vào nghiên cứu suốt nửa năm ròng, sau nhiều thất bại…
Do thiết bị chưng cất nước ngọt của cả hai có tính ứng dụng cao nên sau cuộc thi Holcim 2011, Công ty Holcim hỗ trợ 150 triệu đồng để đưa vào ứng dụng thực tế ở Kiên Giang. Kế đó, Tổ chức AFAP cũng hứa hỗ trợ nhằm thực hiện dự án chưng cất nước ngọt cho những hộ dân ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nơi có một số xã là vùng đất trũng, mặt nước ngầm bị ô nhiễm nặng do sản xuất không thể sử dụng.
Thiết bị chưng cất nước ngọt của Linh và Anh hoạt động theo nguyên tắc tận dụng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời và các thiết bị khác để tạo ra sự ngưng tụ từ hiện tượng bốc hơi. Cứ trung bình mỗi 1m2 diện tích thiết bị có thể chưng cất 4 lít nước/ngày. Trung bình mỗi cá nhân tiêu thụ 6 lít nước/ngày. Giả sử hộ gia đình có bốn thành viên thì mỗi ngày sẽ tiêu thụ 24 lít, tương ứng diện tích thiết kế là 6m2. Chi phí trung bình để xây dựng 1m2 thiết bị khoảng 500.000 đồng.
Từ sự gợi ý của thạc sĩ Lê Hoàng Việt, phó trưởng khoa môi trường & tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), cán bộ hướng dẫn đề tài trên cho hai bạn, Duy Linh và Ngọc Anh bàn nhau nên gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa thiết bị chưng cất nước ngọt này. “Tụi mình sẽ chỉnh sửa một vài thông số để sản phẩm hoàn chỉnh và phù hợp môi trường biển đảo. Hiện ở tình trạng đất liền 1m2 diện tích có thể chưng cất được 4 lít nước. Tuy nhiên với điều kiện bức xạ cao có thể thu được 5-6 lít nước. Thiết bị chưng cất cũng phải khác vì môi trường biển khắc nghiệt hơn”.
Những ngày này hai bạn trẻ gấp rút hoàn thành công trình. “Cần mất hai tháng nữa”, Ngọc Anh nói. Và hai bạn trẻ đang tìm nguồn kinh phí để thực hiện điều mong ước của mình.
MINH TÂM/ Tuoi Tre

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)