Chị Huỳnh Thị Sậm đang làm sổ sách ở thư viện |
Cứ tưởng nỗi đau sẽ lớn dần theo năm tháng với những người kém may mắn mang trong mình hai chữ “tật nguyền”. Nhưng không, họ đã sống lạc quan và làm được nhiều điều kỳ diệu.
Tiếp tôi ở thư viện, chị Huỳnh Thị Sậm (sinh năm 1979) đưa chân phải yếu ớt để bắt tay với tôi. Thấy tôi ái ngại, một lãnh đạo của trung tâm giải thích: “Sậm làm mọi thứ bằng chân”. Là học viên khóa đầu tiên của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM (năm 2006), với bản tính chịu khó, ham học hỏi, chị là một tấm gương để các bạn cùng cảnh noi theo. Kết thúc khóa học vi tính văn phòng, chị được giữ lại làm quản lý thư viện của trung tâm. Không bằng lòng với kiến thức đã học, chị mơ ước được đi học lên nữa và ước mơ đã trở thành hiện thực. Hiện, chị đang theo học đại học hệ tại chức ngành xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM.
Chèo xuồng bằng đầu gối
Từ khi lọt lòng mẹ, tay chân của Huỳnh Thị Sậm không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhìn thân hình con với đôi tay và đôi chân co quắp lại, cha mẹ chị chỉ biết khóc lặng. Bù đắp những mất mát, tổn thương tinh thần cho gia đình, cô bé Sậm lớn lên khỏe mạnh và vô cùng lanh lợi. Thế nhưng, lúc bấy giờ đâu có trường nào dám nhận cô bé chỉ có thể đi chậm chạp bằng hai đầu gối vào học. Ngày ngày, chị lê đầu gối ra đầu ngõ, nép mình vào bụi dừa nước, nhìn các bạn cắp sách đến trường mà nước mắt rưng rưng. Thương con, mẹ chị đi xin tập sách cũ về nhờ người trong làng dạy con học.
15 tuổi, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời chị. Chị chính thức được đi học. Với những kiến thức có được nhờ tự học ở nhà, chị được đặc cách vào học ngay ở bậc THCS. Sinh ra tại một làng quê nghèo khó vùng sông nước, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng nhưng vì nhà nghèo, không sắm nổi một chiếc xuồng cho ra hồn. Thương hoàn cảnh tật nguyền, gia đình thiếu ăn… mà chị quá ham học, UBND huyện quyết định tặng chị chiếc xuồng để làm phương tiện đi lại. Tặng xuồng xong người ta mới giật mình vì làm sao chị có thể tự chèo xuồng? Nhưng chị đã làm được một việc mà ít ai ngờ tới: chèo xuồng bằng chân, đúng hơn là bằng đầu gối.
Nhà cách trường gần 10km đường sông, ấy vậy mà chị vẫn đều đặn đến trường, chỉ trừ những ngày bệnh nặng. Cha chị mất sau một cơn bạo bệnh không tiền thang thuốc khi chị chưa học xong bậc THCS. Việc học tưởng chừng không thể tiếp tục nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của gia đình, chị đã bước vào ngôi trường THPT. Theo tâm sự của chị thì: “Tôi đi học chỉ mong biết đọc biết viết với bạn bè chứ không mong gì khác”. Tuy nhiên, những gì chị làm được khiến bao người cảm phục. Như việc tự chèo xuồng đi học, khâu chiếc áo bà ba bằng chân để tặng mẹ rồi đến việc phải tự làm mọi thứ như giặt giũ, nấu ăn… khi đi trọ học xa nhà hồi học THPT ngoài huyện. Chị Sậm bảo: “Tôi phải tự rèn luyện, làm bất cứ việc gì có thể để chứng minh rằng mình không là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Sau bao nỗ lực, chị vẫn thi trượt tốt nghiệp THPT vì đôi chân không thể viết nhanh hơn nữa, không đủ thời gian làm bài. Không thua cuộc, chị tự ôn tập ở nhà và đỗ với số điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp sau đó.
Kỷ lục gia vẽ tranh bằng chân
Nhìn người phụ nữ này, không ai nghĩ chị làm việc được trên máy tính. Thế nhưng chị lại có thể soạn thảo văn bản, nhập số liệu rất cừ. Làm thành thạo công việc này cũng nhờ vào ý chí luyện tập viết bằng chân từ nhỏ. Chị dùng một cây bút kẹp vào giữa hai đầu ngón chân để đánh máy. Hai chân nhỏ thó nhưng rất “ngoan”, chân trái rê chuột máy tính, chân phải đánh máy một cách nhuần nhuyễn. Chị Sậm kể lại những ngày đầu làm quen với máy tính: “Mỗi lần cử động để click chuột là mỗi lần rớm nước mắt vì đau nhói. Tôi có được ngày hôm nay cũng chính nhờ vào sự khát khao tri thức và muốn tự khẳng định mình”.
Bù lại những khiếm khuyết, chị Sậm có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Tranh chị vẽ rất đẹp. Hàng chục bức tranh đủ kích cỡ, nhiều chủ đề được chị trưng bày ở trung tâm chỉ để dành tặng khách quý. Khách nước ngoài đến đây tham quan đều được chị tặng tranh có chữ ký của tác giả. Đó là một món quà để khách khoe với gia đình, người thân và bạn bè rằng: “Đây là bức tranh được vẽ bằng đôi chân tật nguyền của một cô gái Việt Nam giàu nghị lực”. Kỷ lục gia có tài vẽ tranh bằng chân do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận cho chị là vô cùng xứng đáng. Năm 2007, chị nhận danh hiệu Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam do Thời Báo Kinh Tế Việt Nam bình chọn.
Bài, ảnh: Tuy An
Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM nhận xét: “Sậm là một người ham học hỏi, chịu khó và kiên trì. Sự khổ luyện của Sậm là tấm gương điển hình vượt khó. Mỗi cuối tuần, người thân của học viên thường dắt con cháu đến đây chơi với Sậm. Đây là cách dạy con bằng những câu chuyện, hình ảnh người thật việc thật rất hiệu quả”. |
Bình luận (0)