“Giá cả chỉ là một phần trong câu chuyện lạm phát, nguyên nhân chủ yếu của lạm phát diễn ra liên tục và tăng cao hiện nay xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế”. Đó là ý kiến nhấn mạnh của PGS-TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tại hội thảo Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào sáng 20-5.
Lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn.
Sức khỏe của doanh nghiệp đáng lo ngại
Ông Bá chỉ ra những yếu kém nội tại của nền kinh tế về tình trạng phụ thuộc nhập khẩu, thiếu công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu thô, sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, năng suất lao động thấp (chỉ bằng 2/3 Thái Lan, 50% Trung Quốc)… “Nếu không giải quyết những vấn đề nội tại này thì câu chuyện lạm phát sẽ còn lặp đi lặp lại lâu dài chứ không phải đợi đến ba năm” – ông Bá lưu ý.
Ông Nguyễn Thanh Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình ngầm, cho hay doanh nghiệp đang thật sự lúng túng trước những thay đổi liên tục của các chính sách kinh tế. Điều này đã khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sa vào giải quyết các sự vụ, tình huống nhiều hơn là tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Vì vậy mà hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ kém đi. Lạm phát đang thật sự ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp.
Giải pháp tình thế không ăn thua
Theo ông Bá, Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra sáu nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục tình trạng khó khăn hiện nay nhưng các doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thắt chặt tiền tệ giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán dưới 16% đã khiến cho lượng tiền tung ra ít, lãi suất cho vay tăng cao lên đến 23%, có nơi 27% khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhưng điều đáng lo ngại là vẫn có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vay với mức lãi suất cao như thế.
“Với mức lãi suất này chỉ có ba loại doanh nghiệp mới dám vay. Thứ nhất là những doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn mức lãi suất này. Thứ hai là doanh nghiệp đã đến bước đường cùng có chết thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Thứ ba là những doanh nghiệp buộc phải vay để đáo nợ. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp do khó tiếp cận vốn nên thu hẹp sản xuất là chính. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người lao động” – ông Bá phân tích.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho hay theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 70% doanh nghiệp còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay và có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay nên đầu tư và kinh doanh cầm chừng và 1/3 tuy có tiếp cận được nhưng gặp khó khăn.
Theo ông Bá, việc điều chỉnh tỉ giá bên cạnh một số mặt tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng doanh nghiệp nhập khẩu lại méo mặt. Tuy nhiên, cái lợi của doanh nghiệp xuất khẩu thu về từ việc điều chỉnh tỉ giá cũng không thể cân bằng với những gì doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu đựng. Bởi lẽ ngay những doanh nghiệp xuất khẩu cũng phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu.
Mặt khác, thời gian gần đây, nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng… liên tục điều chỉnh giá đã dội những quả bom làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng cao khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của doanh nghiệp. “Điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường là việc phải làm nhưng lẽ ra phải làm trong 10 năm qua và có lộ trình công khai, minh bạch chứ không phải cùng một lúc bung ra như hiện nay” – ông Bá nhấn mạnh.
Tránh chính sách “giật cục” như hiện nay
Theo Thạc sĩ Đỗ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Hội VACD (kiêm chủ tịch HĐQT một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và chăn nuôi), hầu hết các ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay thực hiện tiết kiệm điện, tăng hệ số quay vòng vốn, chia nhỏ các khoản thanh toán, đa dạng hóa nguồn tài chính… Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, thu hẹp sản xuất, giảm biên chế,… đều chỉ mang tính chất tạm thời. Hơn nữa, các giải pháp này sẽ ảnh hưởng đến người lao động, tác động xấu đến xã hội. “Vì vậy chỉ có nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mới là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp kiểm tra lại toàn diện “sức khỏe” của mình” – ông Hoàn nói.
Theo ông Bá, một trong những điều làm nền kinh tế kém hiệu quả chính là việc thất thoát, tham nhũng từ đầu tư công. Vì vậy cần tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư công theo hướng minh bạch, khách quan và hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Khanh cho rằng cắt giảm 10% đầu tư công cũng không ăn thua gì. “Đầu tư công hiện nay vô cùng lãng phí. Tỉnh nào cũng đua nhau đầu tư, ngành nào cũng đua nhau đầu tư, nhất là các dự án công cộng. Điển hình như dự án Bảo tàng Hà Nội vừa qua xây dựng rất hoành tráng nhưng phục vụ không bao nhiêu. Nhiều lần tôi vào nhưng không thấy ai tham quan. Mặc dù việc cắt giảm đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm xây dựng như tôi nhưng cần đẩy mạnh cắt giảm đầu tư theo hướng đầu tư hiệu quả” – ông Khanh đề nghị.
Bình luận (0)