Bán hàng rong là kế mưu sinh của không ít bộ phận dân nghèo của thành phố cũng như người dân ở các tỉnh, thành khác tạm trú tại TP.HCM. Tuy nhiên, việc bán hàng rong đã ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, môi trường sống, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Việc cấm hàng rong vẫn còn là một việc làm quá khó vì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nghèo.
> Đời chợ dạo… Bài 2: Chở chợ… chở cả giấc mơ
> Đời chợ dạo… – Bài 1: Chở… chợ về xóm trọ
Thiếu chợ thì xuống đường
Hiện nay, TP.HCM thiếu khu quy hoạch riêng cho những người buôn bán nhỏ lẻ nên đã nảy sinh chợ tự phát, hàng rong gây ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn. Chợ đêm Bến Thành, Kỳ Hòa ra đời nhiều năm nay cũng đã phần nào giải quyết nơi buôn bán tập trung cho người dân nhưng xem ra ở đó không có “đất” cho những người buôn bán nhỏ lẻ, đồng vốn ít. Dễ dàng nhận thấy hiện nay trên địa bàn thành phố có một bộ phận không nhỏ cư dân nhập cư sống bằng nghề buôn bán thời vụ, đồng lời chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày thì không thể kham nổi việc thuê một gian hàng, một kiốt ở những khu chợ này.
Tại khu vực trung tâm thành phố, điển hình là hai phường Cầu Kho và Nguyễn Cư Trinh, quận 1 có tổ chức sắp xếp ở các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Trãi còn các tuyến khác, các hẻm nhỏ vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán hàng ăn uống, giải khát. Phường 11, quận 5 là địa phương có tổ chức các hoạt động lập lại trật tự đô thị nhưng khu vực Bệnh viện ĐH Y dược (Mạc Thiện Tích – Đặng Thái Thân) vẫn còn nhếch nhác do việc lấn chiếm lòng lề đường để làm nơi buôn bán và bãi giữ xe.
Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12, quận 3 cho biết trong 8 tháng qua, phường đã xử lý 19 vụ vi phạm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Các hẻm quanh khu vực chợ vừa nhỏ lại không có lề đường nên việc vi phạm trật tự đô thị là không tránh khỏi, đó là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, kinh tế còn khó khăn nên hình thức phạt tiền với các hộ này cũng còn hạn chế. 8 tháng với 19 vụ bị xử lý là quá ít so với thực tế có hàng trăm vụ vi phạm trên địa bàn mà chính quyền địa phương chưa thể quản hết hoặc thiếu kiên quyết trong việc xử lý.
Không có nơi buôn bán, người dân không còn cách nào khác phải xuống đường, lấn chiếm vỉa hè bất chấp việc vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, chợ tự phát cũng từ đó mà tăng cao. Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng địa phương cần có biện pháp chế tài nghiêm, quản lý chặt về vệ sinh môi trường, không thể để hoạt động bừa bãi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông của thành phố.
Cấm hay không cấm?
Công tác thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại một số địa phương đều có sự chuyển biến tốt nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn hạn chế và các biện pháp xử phạt chưa thống nhất, mức xử phạt vẫn còn mang tính hình thức.
Việc di dời chợ kim khí điện máy Nhật Tảo, quận 10 là thực hiện nếp sống văn minh đô thị và quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị của thành phố. Đây là chợ tự phát tồn tại gần 20 năm nay, là một trong những chợ có nguy cơ xảy ra cháy rất cao, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác nên việc di dời là hoàn toàn hợp lý. Qua đây, cần có nhiều khu quy hoạch xây dựng chợ dành riêng cho người nghèo, tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán ổn định.
Ý kiến trong báo cáo công tác khảo sát việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị của UBMTTQ TP.HCM cho biết, đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cần sử dụng biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người dân tự chủ động dọn dẹp, sắp xếp nơi buôn bán không để lấn chiếm phần đường của người đi bộ. Riêng đối với những trường hợp có điều kiện kinh tế khá giả, có địa điểm kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên lấn chiếm lòng đường để kinh doanh hoặc trưng bày hàng hóa thì phải sử dụng biện pháp xử phạt thật nặng… Trước tình trạng hàng rong gây mất trật tự và mỹ quan đô thị trên địa bàn quận 6, ông Hoàng Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBMT quận 6 đề nghị: “Thành phố cho ý kiến về việc quy hoạch một số tuyến đường và kẻ vạch sơn phân khu vực để người dân buôn bán dưới lòng đường thì mới có thể hạn chế hàng rong và chợ tự phát”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM cho biết: “Ở những tuyến đường khu vực trung tâm, nơi trụ sở các cơ quan nước ngoài cần dứt điểm việc mua bán hàng rong. Khu dân cư cần quy hoạch lại, hạn chế buôn bán để giữ gìn vệ sinh môi trường và hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu người dân trong diện xóa đói giảm nghèo thì cần hỗ trợ vay vốn từ các nguồn như Quỹ 156, ngân hàng chính sách xã hội, MTTQ… Riêng đối với người dân nhập cư, chính quyền địa phương cũng phải hỗ trợ vốn để họ làm ăn tại địa phương. Lâu nay, việc xử lý chưa kiên quyết, mức phạt chưa đủ sức răn đe đã tạo thành một thói quen xấu. Chính vì thế, cần phải lập lại trật tự hàng rong, quyết không buông lỏng để TP.HCM trở thành một thành phố văn minh sạch đẹp”.
Ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch UBMTTQ TP.HCM nói: “Hàng rong ở các tuyến đường chính, khu vực có đông khách du lịch qua lại thì nên cấm, còn ở những khu vực khác việc dẹp đi là không nên vì ảnh hưởng lớn đến đời sống dân nghèo nhưng cũng phải tổ chức, sắp xếp lại cho trật tự hơn”. Qua những ý kiến trên của các ban ngành chức năng mới thấy rằng “bài toán” giải quyết tình trạng mua bán hàng rong trên đường phố vẫn còn rất nan giải. Nhưng dù sao đi nữa, chủ trương thực hiện nếp sống văn minh đô thị của UBND thành phố “Năm văn minh đô thị” phải được các cấp, các ngành và người dân thực hiện triệt để và đạt kết quả cao.
Trần Tuy An
Bình luận (0)