Hàng hóa phục vụ Tết tại siêu thị Big C quận 10, TP.HCM. Ảnh: Y.Hà |
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Bính Thân 2016. Tết năm nay được nghỉ dài – 9 ngày (từ ngày 6 đến 14-2), theo đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân sẽ tăng cao. Và vấn đề người tiêu dùng lo lắng nhất hiện nay là chất lượng và giá cả của các mặt hàng thiết yếu này…
Hàng đa dạng, giá không tăng!
Đó là khẳng định của ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Theo ông Kiên, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã chuẩn bị phục vụ Tết Bính Thân 2016 là 16.208,8 tỷ đồng (tăng 462 tỷ đồng so với Tết Ất Mùi 2015). Đặc biệt, trong số đó hàng bình ổn thị trường là 6.863,9 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng được các doanh nghiệp chuẩn bị với số lượng lớn, chiếm khoảng 50% nhu cầu thị trường, cụ thể như thịt, trứng, thực phẩm chế biến, dầu ăn…
Riêng các mặt hàng bia rượu và nước giải khát, hiện các doanh nghiệp đã sản xuất, dự trữ 85 triệu lít; bánh kẹo khoảng 18.000 tấn với mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng cao không thua kém gì hàng ngoại nhập và giá cả thì rất phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người lao động.
“Các sở, ngành, quận, huyện phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phục vụ chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân, người lao động, sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 với phương châm “Đoàn kết, an toàn, vui tươi và tiết kiệm”…”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo. |
Theo đó, nguồn cung cấp hàng hóa từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30-40% thị phần; từ 3 chợ đầu mối (chủ yếu là rau củ quả, thủy hải sản) chiếm 60-70% thị phần. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác chiếm cung ứng từ 10-20% thị phần. “Để những nguồn hàng này đến tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, các điểm bán hàng thực phẩm, lương thực bình ổn đã tăng thêm 89 điểm, nâng tổng số điểm bán lên 3.691 điểm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và trong khu dân cư. Điều đáng nói là trong số trên 2.300 điểm bán trong khu dân cư thì có 917 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành và 16 điểm bán phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp – khu chế xuất, xí nghiệp. Song song đó, trong 2 tháng Tết, các doanh nghiệp sẽ tổ chức khoảng 340 chuyến bán hàng lưu động; còn các siêu thị tăng thời gian bán hàng từ 6 giờ sáng đến 11, 12 giờ đêm và chỉ nghỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết…”, ông Kiên cho biết.
3 sở hợp tác kiểm tra
Lâu nay chỉ mỗi bữa ăn của người dân mà có tới 3 ngành quản lý (Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương và Y tế). Tuy nhiên, không hiểu có phải vì “cha chung không ai khóc” hay không mà thực phẩm bẩn vẫn cứ len lỏi vào bữa ăn của người dân. Để thực phẩm bẩn không có cửa chen chân vào mâm cỗ Tết của người dân, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết: TP đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở NN&PTNT, Công thương và Y tế, ngoài ra mỗi sở đều có các đoàn riêng để thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm phục vụ Tết. Đồng thời, 24 quận, huyện cũng có các đoàn kiểm tra ra quân truy quét thực phẩm bẩn… Song song đó, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền cách nhận biết thực phẩm bẩn bằng cảm quan cho người tiêu dùng; Sở NN&PTNT tuyên truyền người trồng rau cách sử dụng phân bón có hiệu quả và không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nghiêm cấm người chăn nuôi sử dụng chất cấm, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm; Sở Công thương tăng cường kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả…
“Sở Y tế TP cũng đã cung cấp các dụng cụ tới các quận, huyện để tiến hành test nhanh rau củ quả, thịt cá… tại các chợ. Qua đó ngăn được nguồn hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm tới tay người tiêu dùng”, ông Hưng cho biết thêm.
“Sở Công thương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở NN&PTNT phát động đợt cao điểm an toàn thực phẩm, kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, Globalgap, HACCP gắn logo chuỗi thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối. Đến nay đã có 9 doanh nghiệp và 284 điểm bán thực phẩm an toàn đạt chuẩn phân phối các mặt hàng rau củ quả, thịt và trứng gia cầm, thịt gia súc, sữa… Bên cạnh đó, ngày 23-12-2015 vừa qua, đã có 30 tỉnh ký kết với TP để cung cấp thực phẩm an toàn”, ông Kiên – Sở Công thương – nói.
Hòa Triều
Bình luận (0)