Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đôi điều về triết lý giáo dục Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Thông qua học nhóm, học sinh sẽ vừa được học chữ vừa được học cách làm người.
Ảnh: H.Triều

Ngày 19-8, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo: “Triết lý giáo dục Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia về giáo dục trên cả nước. Tại đây, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có tham luận “Đôi điều về triết lý giáo dục Việt Nam”… Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng tham luận này.

Trong thời gian gần đây, người ta thường đề cập đến việc phải xem lại triết lý giáo dục Việt Nam. Thậm chí có ý kiến cho rằng Việt Nam chúng ta chưa có triết lý giáo dục.
Vấn đề triết lý giáo dục được đề cập bức xúc lúc này, theo tôi là do xuất hiện sự lúng túng trong định hướng phát triển của ngành trước những đổi thay quá lớn của xã hội. Cụ thể là:
Về nhận thức, sự am hiểu về triết lý giáo dục dạy làm người đang còn nhiều giới hạn trong hệ thống quản lý của ngành; khoa học giáo dục chậm phát triển không đủ sức chuyển tải triết lý cao cả của giáo dục vào cuộc sống. Có thể đơn cử một vài sự kiện của ngành để đánh giá sự am hiểu triết lý dạy làm người của hệ thống giáo dục:
Chế độ thi cử, đánh giá: Giáo dục nước nhà có bước tiến đáng trân trọng là đã bỏ kỳ thi quốc gia tiểu học và THCS, nhưng điều đáng trách là áp lực thi cử còn quá nặng nề chưa thay thế được vào đó hệ thống giá trị thực của con người mà nhà trường đào tạo. Từ đó đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khác thiếu tiến bộ, thiếu tôn trọng con người và không thôi thúc yêu cầu phấn đấu, rèn luyện nhân cách.
Chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý: Khi đề cập tới con người, động lực lao động và cống hiến, năng lực nêu gương của người dạy để giáo dục người học là những vấn đề mà chế độ chính sách phải quan tâm. Trong thực tế, chúng ta chăm lo chưa thật sự đến nơi, đến chốn đã dẫn đến những hệ lụy khác theo sau kéo dài.
Đào tạo sư phạm: Thật sự tôi rất ngạc nhiên về ý kiến của những người có trách nhiệm yêu cầu chuyển trường ĐH sư phạm thành trường ĐH đa ngành hoặc có ý kiến không đồng tình khi yêu cầu trường sư phạm phải đào tạo ra những nhà giáo dục thực thụ thay vì đào tạo ra những người thợ dạy. Đó là chưa kể đến nội dung đào tạo có bao nhiêu thời gian để cung cấp cho nhà sư phạm tương lai về triết lý giáo dục và cung cấp triết lý ấy bằng cách nào.
Về tổ chức thực hiện, chậm đổi mới. Cơ chế tổ chức còn quá bảo thủ, nặng nề. Triết lý giáo dục Việt Nam đã được thể hiện khá sâu sắc trong tư tưởng của Bác Hồ và các văn kiện đại hội Đảng xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ, nhất là từ khi Đảng ta có chủ trương đổi mới, hội nhập quốc tế. Nhưng việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước của ngành còn quá chậm chạp.
Văn kiện Đại hội Đảng lần nào cũng phê phán nhà trường chúng ta nặng đối phó với thi cử, ít quan tâm đến dạy người. Nhưng sự chuyển động về khắc phục hầu như rất lúng túng, khó khăn. Càng cải tiến càng nặng nề do không giải quyết vấn đề từ bản chất có tính triết lý mà chỉ loay hoay ở phần sự vụ của công việc.
Khoa học giáo dục ngày nay trong dạy người rất coi trọng hoạt động tương tác giữa thầy với trò, trò với trò. Ở đó, sự chủ động sáng tạo của người giáo viên và nhà trường vô cùng quan trọng. Chủ trương xây dựng nhà trường tự chủ của Chính phủ là một chủ trương tích cực, tiến bộ nhưng rất ít được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nếu có, hầu như chỉ quan tâm đến khía cạnh tự chủ tài chính.
“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” nhưng cơ chế tổ chức giáo dục dạy làm người của chúng ta hiện nay đang bị khép kín, chưa phối hợp một cách hữu cơ, có tính luật pháp trong xã hội. Cơ chế xã hội đổi mới, hệ thống giá trị xã hội đang thay đổi rất mạnh mẽ, nhà trường không theo kịp nên lúng túng, có khi bất lực hoặc chân lý có cảm giác như không vững bền.
Về lãnh đạo điều hành, chưa có bộ máy tương xứng để thực thi triết lý giáo dục hiệu quả.
GD-ĐT Việt Nam rất vui mừng về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII với quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”. Quốc hội có Nghị quyết 40 về đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông và rất nhiều nghị định của Chính phủ chỉ đạo giải quyết phát triển GD-ĐT nước nhà đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy vậy, trước yêu cầu đổi mới phát triển, hội nhập quốc tế, chúng ta thấy vẫn còn những bất cập về mặt điều hành các lực lượng xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục như các nước có nền giáo dục tiên tiến. Ở đó, hội đồng quốc gia giáo dục được tổ chức rất quy củ và có thực quyền.
Hội đồng quốc gia giáo dục bao gồm thủ tướng chính phủ và các bộ – ngành liên quan về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nội vụ, đầu tư, đồng thời quy tụ những nhà khoa học am hiểu giáo dục để “thiết kế” mô hình con người mà nhà trường phải đào tạo. Trên cơ sở ấy, ngành chủ quản sẽ quản lý điều hành “thi công” đào tạo con người mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập quốc tế. Đây là một giải pháp quan trọng trong quy trình đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT nước nhà, xin được kiến nghị.
TS. Huỳnh Công Minh
Thật ra, giáo dục nước ta với quá trình lịch sử vẻ vang dựng nước và giữ nước, đất nước đang phát triển, không thể không có triết lý. Triết lý giáo dục làm người của nhà trường đã trở thành nền tảng sâu sắc, lâu đời trong đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)