Tòa soạnThư đi – tin lại

Đôi điều về vóc dáng giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn thi vào các ngành nghề, người ta thường đưa ra những tiêu chí quy định đối với người dự thi, dự tuyển… Mỗi ngành nghề có yêu cầu riêng để phù hợp với công việc sau này. Đó là chiều cao, cân nặng, gương mặt, hình dáng… Riêng ngành sư phạm (ngành góp phần quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ, chủ nhân của tương lai), các tiêu chí lẽ ra khắt khe hơn nhưng dường như khá “thoáng” (miễn là đừng bị khuyết tật hoặc nói ngọng…)! Thành ra ai thi vào ngành sư phạm cũng được nên xảy ra thực trạng khá buồn về vóc dáng giáo viên hiện nay.

Theo ý kiến của tôi, ngoài việc đảm bảo về trình độ, kiến thức; thi vào ngành sư phạm phải đáp ứng được tiêu chí về chiều cao, cân nặng, vóc dáng, gương mặt… Tại sao các ngành khác yêu cầu cao về hình thể mà ngành sư phạm lại không yêu cầu? Nhiều giáo viên quá nhỏ con, thấp bé nhẹ cân; chỉ cao bằng học sinh lớp 8, lớp 10 thì làm sao đủ “uy” để dạy các em? Không ít giáo viên thiếu lòng nhân, chuyên phạt học sinh bằng những hình thức “khổ ải” (như chép bài phạt từ 100 lần trở lên). 

Không đòi hỏi quá cao như thi tuyển diễn viên, nhưng muốn vào ngành sư phạm; đối với nam phải cao từ 1,6m, cân nặng từ 50kg trở lên; nữ từ 1,55m và có cân nặng từ 45kg trở lên. Gương mặt hiền hậu, hình thức khá; giọng nói rõ ràng, dễ nghe; diễn đạt vấn đề khúc chiết, rõ ràng (phần thi vấn – đáp).

Trong thực tế từng xảy ra vì giáo viên không đẹp mà học sinh mất hứng thú học tập; dù cô có giảng giải hay đến đâu cũng khó thu hút sự chú ý học tập của học sinh. Ngược lại, khi có một cô giáo khá đẹp vào lớp, học sinh rất chú ý nghe giảng và đầy hứng thú trong suốt giờ học.

Thiết nghĩ, không phải ai muốn vào nghề dạy học cũng được mà phải qua sàng lọc, thi tuyển chặt chẽ, khoa học từ nội dung kiến thức bên trong lẫn hình thức bên ngoài! Có như vậy từng bước chúng ta có một đội ngũ giáo viên giỏi về trình độ, khá về hình thức; góp phần tạo nên không khí học tập, hứng thú học tập của học sinh…

Cũng cần bàn luận thêm rằng, khi vào các ngân hàng, bưu điện điều trước tiên đập vào mắt là những nhân viên khá về hình thức, giỏi chuyên môn ở “mặt tiền” cơ quan… Còn vô trường học thì… không bằng, thậm chí nhiều nơi còn rất lôi thôi, lếch thếch.

Nhà giáo Hồng Lam Sơn 

Bình luận (0)