Y tế - Văn hóaThư giãn

Đổi đời cho… khăn rằn

Tạp Chí Giáo Dục

Áo dài cô dâu, cà vạt chú rể, rèm cửa, khăn bàn, túi xách… được làm hoàn toàn bằng khăn rằn. Thông qua những thiết kế táo bạo này, chàng sinh viên mới ra trường Nguyễn Quốc Thịnh (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Hiến) đã nhẹ nhàng đưa chiếc khăn rằn truyền thống Nam bộ ra trình diện cuộc sống với một hình ảnh đầy mới lạ, phá cách.

Nguyễn Quốc Thịnh tại shop thời trang khăn rằn của mình

Những thiết kế này cũng đưa Quốc Thịnh đến với hàng loạt giải thưởng lớn dù thời trang với em chỉ là lối rẽ bất ngờ: Giải nhì thiết kế thời trang – Hangeul Festival do Viện Văn hóa Hàn Quốc tổ chức năm 2012; giải ba thiết kế thời trang – Hangeul Festival 2013; giải nhất thiết kế thời trang – Tiếng hát sinh viên Văn Hiến năm 2013…

Học… lỏm thời trang

Sở hữu nhiều giải thưởng về thiết kế thời trang nhưng với lĩnh vực này, Thịnh chỉ là dân “tay ngang”, toàn bộ kiến thức đều được… học lỏm. Hàn Quốc học mới là chuyên ngành chính của Thịnh và chàng trai trẻ cũng vừa tốt nghiệp Trường ĐH Văn Hiến ngành này. Chàng trai “thú nhận”, suốt 4 năm ĐH, em trải nghiệm các hoạt động bên ngoài nhiều hơn ở giảng đường. Từ tiếp cận, làm quen sinh viên Hàn Quốc đang học tại các trường bạn để trau dồi tiếng Hàn đến tham gia phiên dịch miễn phí tại các chuyến tình nguyện của người Hàn Quốc tới nhiều vùng đất như Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… Thịnh coi đây là cơ hội học ngoại ngữ quý giá. Nhờ vậy, kết thúc năm nhất, chàng sinh viên đã đủ tự tin tham gia đứng lớp dạy tiếng Hàn cho người Việt tại một trung tâm và đây cũng là mốc thời gian em bắt đầu tự nuôi bản thân mình. Thời điểm ấy, Thịnh còn đi phát tờ rơi, bán hoa, bán quần áo hay tăm tre, làm quản trò, tham gia tổ chức sự kiện… để kiếm sống và trải nghiệm. Khoản tiền nào dành dụm được, Thịnh dồn vào mày mò, thiết kế thời trang.

Năm 2011, sau chuyến tình nguyện Mùa hè xanh tại Kiên Giang, Thịnh nảy sinh “tình cảm” đặc biệt với chiếc khăn rằn Nam bộ, hình ảnh khởi nguồn cho những sáng tạo của em sau này. Quyết tâm đầu quân cho những thiết kế từ khăn rằn, Thịnh âm thầm đi học “ké” sinh viên các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Quốc tế Hồng Bàng để “dằn túi” những kiến thức cơ bản. Sản phẩm đầu tay, em tự may cho… mình song được nhiều bạn bè ngợi khen và đặt hàng tới tấp. Có động lực, chàng sinh viên đem sản phẩm đi dự thi và đoạt nhiều giải thưởng lớn.

Cuộc thi “Nhà thiết kế thời trang Việt Nam – Project Runway” năm 2014 đánh dấu mốc quan trọng với cuộc đời chàng sinh viên năm cuối. Dù chỉ lọt top 20 nhưng thiết kế không đụng hàng với phong cách khá “điên loạn” là chiếc áo hình… lồng gà được phủ bởi khăn rằn đầy ấn tượng của Thịnh đã ngoạn mục đưa em vào con đường thời trang chuyên nghiệp. Từ đó đến nay không ít nghệ sĩ nổi tiếng đã chọn thiết kế cá tính của em cho các sự kiện quan trọng, nhiều nhân viên văn phòng cũng đặt áo dài cách tân, đặc biệt, cả cô dâu chú rể cũng chọn áo dài khăn rằn, cà vạt của Thịnh cho ngày trọng đại. Không dừng lại ở đây, các thiết kế từ khăn rằn đã dần lấn sâu hơn vào đời sống thông qua sản phẩm gối, rèm trang trí, khăn trải bàn, túi xách… Khoảng 30% khách chọn sản phẩm khăn rằn của Thịnh hiện là khách quốc tế, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản. “Khăn rằn Nam bộ bị hạn chế ở chỗ không phong phú màu sắc, đây vừa là khó khăn nhưng cũng là lợi thế bởi dễ nhận diện. Em cố gắng mở rộng kiểu dáng để làm nổi bật sản phẩm, khắc phục nhược điểm trên” – Quốc Thịnh chia sẻ.

Đưa khăn rằn từ thôn quê ra thị thành

Hiện chàng trai trẻ đã mở được không gian nhỏ để kinh doanh online các sản phẩm từ khăn rằn, trở thành chủ thương hiệu thời trang “Khanran”. Với bản lĩnh và nỗ lực không ngừng, Thịnh đã ngoạn mục đưa chiếc khăn rằn ra khỏi khuôn khổ của vùng thôn quê, dấn sâu vào đời sống thành thị. Để giờ đây, thương hiệu khăn rằn ấy đã được nhiều người hứng khởi đón nhận, chú ý đến. Thịnh còn giữ vai trò stylist cho nhiều người mẫu và được đánh giá cao. Một vài nơi còn mời chàng trai trẻ chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này cho đội ngũ mới vào nghề. Trong năm tới, Thịnh ấp ủ thực hiện một chương trình thời trang lớn ngập sắc khăn rằn mà nơi đó cả người biểu diễn lẫn người xem đều mặc trang phục được làm từ chiếc khăn mộc mạc ấy.

Trong những dự định dài hơi của Thịnh còn có việc “vác ba lô lên và đi” để mở rộng tầm nhìn, cảm nhận tự do, lắng nghe hơi thở cuộc sống và khơi gợi cảm xúc. Thịnh bảo sợ nhất là cảm xúc bị chai đi và năng lượng trong em không còn tràn trề nữa. Đó là lý do chàng trai trẻ luôn tìm cách nạp năng lượng, chắt chiu cảm xúc bằng khám phá những điều mới mẻ, và cả… chạm giữ ký ức. Thịnh bảo tuổi thơ… chạy đồng vịt phụ cha mẹ là “trong trẻo”, là ký ức đẹp, mặc dù có những cái Tết, cậu trò nhỏ phải đón giao thừa trên những thửa ruộng trơ gốc rạ, xung quanh toàn tiếng rỉ rả côn trùng. Song nhờ đó mà chàng trai trẻ hiểu được vị mặn của những giọt mồ hôi, để giờ đây, có “lăn” vào đời bằng những vấp váp, Thịnh vẫn đón nhận một cách nhẹ nhàng, không dễ nản việc.

Mỗi ngày, chàng stylist trẻ vẫn thủng thẳng đạp chiếc xe đạp… 7 màu khá ấn tượng do mình tự sơn lấy để đi gặp khách hàng. Đối với Thịnh, đây cũng là một cách vận động “nạp năng lượng” để dẻo dai hơn và cũng là một thói quen suốt thời sinh viên mà em không muốn xóa bỏ. Đôi lúc, vài ba khách hàng nhìn chàng trai đi xe đạp mà tròn xoe mắt khó hiểu, nhưng Thịnh thì bẽn lẽn cười: “Xe đạp cũng được, miễn là mình không đi chậm hơn người khác”.

… Và vươn đến với bạn bè quốc tế

Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ: Trang phục từ khăn rằn như áo, túi xách, khăn… luôn được em ưu tiên sử dụng trong những chuyến du lịch của mình. Đối với em đây cũng là cách để khéo léo “ra mắt” những sản phẩm chứa đựng nét văn hóa truyền thống của Nam bộ với du khách quốc tế. Thông qua những chuyến đi này, nhiều du khách đã tò mò thích thú và đặt hàng trang phục, sản phẩm từ khăn rằn của em. “Thời gian tới, em sẽ cố gắng mở rộng kiểu dáng, tìm cách “tiếp thị” mạnh mẽ sản phẩm từ khăn rằn đến đông đảo bạn bè quốc tế. Em mong muốn, bạn bè quốc tế khi mặc chiếc áo thiết kế từ khăn rằn sẽ cảm thấy hãnh diện vì đang mang trên mình nét đẹp truyền thống của người Việt”, Thịnh tâm sự.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)