Bong bóng cá đang được các cơ sở sơ chế tại thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan… thu về hàng triệu USD mỗi năm.
Chị Phạm Thị Phượng (thị trấn Óc Eo) cho biết, những năm gần đây, bạn hàng Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ bong bóng cá tra, cá ba sa đã qua sơ chế khô với số lượng lớn để làm thực phẩm, với giá mua rất cao. Chị Phượng cùng chồng quyết định san lấp 8.000 m2 vừa ruộng, vừa vườn, để xây kho bãi, mở cơ sở sơ chế bong bóng cá xuất khẩu. Cơ sở của chị Phượng hiện là một trong những cơ sở sơ chế bong bóng cá lớn nhất nhì thị trấn Óc Eo.
Sơ chế bong bóng cá để xuất khẩu. Ảnh: Trung Dân. |
Các cơ sở sơ chế bóng bóng cá ở Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa một lần được nếm món thực phẩm lạ này, dù hằng ngày mình làm ra. Chỉ biết là đơn hàng nhận liên tục với số lượng lớn. Chị Phượng cho biết, trung bình cứ 10 kg bong bóng cá tươi sẽ cho ra 2 kg bong bóng khô. Cơ sở của chị Phượng cứ xoay vòng khoảng 3 – 4 ngày là xuất hàng qua Trung Quốc, Lào, Campuchia 3 – 4 tấn thành phẩm bong bóng khô, với giá 130.000 – 140.000 đồng một kg. Để chủ động nguồn nguyên liệu, chị Phượng cùng các chủ cơ sở sơ chế khác hiện phải đặt cọc, ký hợp đồng bao tiêu với hàng chục nhà máy phi lê cá đông lạnh ở An Giang, thành phố Cần Thơ, để thu mua bong bóng cá.
Theo chị Phượng, bóng bóng cá tươi, muốn phơi khô phải trải qua rất nhiều công đoạn sơ chế. Trước hết là lộn ngược bong bóng cá ra để lấy chỉ máu và gân, sau đó qua công đoạn rửa và ngâm một ngày đêm cho sạch. Công đoạn kế tiếp là nông bong bóng cá vào những ống nhựa (mỗi ống nông ít nhất 4-5 bong bóng cá tùy theo kích cỡ lớn nhỏ), sau đó đem đi phơi nắng trong hai ngày, cho khô thì đóng gói, xuất đi.
Nguyên liệu thủy sản tăng giá
Nhu cầu chế biến cho các đơn hàng cuối năm khiến giá nhiều nguyên liệu thủy sản tăng mạnh. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, cá tra nguyên liệu có trọng lượng 700 – 800g, giá khoảng 19.400 đồng một kg; loại 810 – 930 g giá 19.200 đồng, tăng 1.000 – 1.500 đồng một kg so với tháng trước đó. Tôm nguyên liệu cũng đang ở thời điểm giá tốt nhất. Việc gặp khó khăn tại thị trường Nhật Bản, theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, không ảnh hưởng nhiều đến giá tôm trong nước, vì nhu cầu của thị trường thế giới đối với thủy sản này vẫn cao. Giá tôm ở một số địa phương như Sóc Trăng đang tăng thêm 10.000 đồng một kg, ở mức 190.000 – 210.000 đồng so với một tuần trước. N.Khải
|
Bình luận (0)