Nhóm khảo sát địa chất của anh Tuấn đang lấy mẫu đất sét tại khu nhà ở Phước Kiển. Tại khu đất này, các anh cũng phải trải qua khoảng trăm lần du canh, du cư |
Nhiều gia đình đang sinh sống ở Sài Gòn hoa lệ nhưng phải du canh, du cư với vô vàn lý do: không có đất trồng trọt, chăn nuôi; tính chất của công việc; quen với công việc nhà nông hoặc để thoát khỏi cảnh gò bó… Và có không ít gia đình đã có đến nhiều thế hệ du canh, du cư.
Có đất, có nhà cũng du canh, du cư
Sau nhiều vụ mùa thất bát, ông Tư (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) thuê một miếng đất trong xã để đào ao thả cá. Cả xã lúc bấy giờ ai cũng ngưỡng mộ ông vì ông tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình làm kinh tế. Ông Tư hào hứng lắm nhưng chưa đến ngày thu hoạch cá, chủ đất báo tin: “Mày tranh thủ kéo cá, tao bán đất”. Với số vốn gần 150 triệu đồng bỏ ra lo việc đào ao, thuê nhân công, tiền thức ăn và cá giống coi như tiêu tan. Không bỏ cuộc, ông Tư lại tiếp tục chạy sang xã Hiệp Phước tìm đất thuê để kéo cá qua thả. Tin tưởng chủ đất là em cột chèo nên ông Tư không làm giấy tờ hợp đồng thuê đất. Hơn nữa, theo thỏa thuận miệng, ông Tư thả cá còn chủ đất thì nuôi heo bên trên, mạnh ai nấy thu hoạch không phải chia chác gì. Tưởng đã ổn định, ai ngờ khi kéo lứa cá đầu tiên, em cột chèo thấy làm ăn được còn mình thì lỗ vốn nên ra lời tế nhị: “Mấy đứa con thất nghiệp, em muốn lấy đất lại cho tụi nó làm ăn”. Ông Tư đành phải ngậm ngùi cầm số tiền chưa đầy 1/8 số tiền ông bỏ ra từ tay đứa em thối lại (công đào ao theo hợp đồng miệng-NV). Mất nhiều tiền của, ông Tư nói như mếu: “Nhà có miếng đất nhưng cũng đã bán để cứu ao cá, bây giờ phải đi thuê nhà để ở. Cả đám con trai 4 đứa chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn, đứa học cao nhất cũng chỉ hết lớp 5 và đều có độc nhất nghề: “Đào ao thả cá”. Người con đầu được gia đình bên vợ cho miếng đất ở xã Nhơn Đức (Nhà Bè) làm kinh tế VAC cũng khấm khá. Các con còn lại theo ông Tư trông coi ao, có ai thuê mướn đào ao, kéo cá thì đi làm kiếm thêm tiền. Tý, con út ông Tư ngán ngẩm nói: “Chán cái cảnh sống ở ao hồ rồi, nhà ở trong huyện chứ có xa xôi gì đâu mà mỗi tháng chỉ nằm nhà được 2, 3 ngày. Chưa kể những lúc phải di chuyển ao, hôm nay ở đây chứ không biết ngày mai thế nào…?”.
Theo nghề khảo sát địa chất hơn chục năm, anh Nguyễn Ngọc Thắng, quê Bắc Ninh đã đi hết công trình này đến công trình khác, từ miền núi đến đồng bằng. Công trình là nhà, quanh năm ăn của rừng, uống nước suối. “TP.HCM là nơi tôi tạm dừng chân nhưng cũng chính tại đây tôi lại phải du canh, du cư nhiều hơn. Làm không mệt nhưng ngán cảnh chuyển tới chuyển lui”. Giải thích vì sao anh gọi là “tạm dừng chân”, anh Thắng cho biết: “Suốt 4 năm nay chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn nhưng chưa biết công ty sẽ chuyển đi đâu nữa, cũng có thể lại lên rừng”.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Chuẩn xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh quanh năm sống bằng nghề nuôi vịt đẻ nhưng từ khi môi trường sống ở khu vực này bị ô nhiễm, đàn vịt uống nước ô nhiễm đã chết dần chết mòn nên anh chị về xã Đa Phước thuê đất để tiếp tục nuôi đàn vịt khác. “Việc chạy đồng tìm cái ăn cho vịt đẻ thì không nói gì, khổ nỗi nhà mình cũng có đất có ruộng, có nơi làm ăn đàng hoàng lại phải đi thuê mướn xa xôi…”, anh Chuẩn nói.
Nhọc nhằn du canh, du cư
Ông Tư xuất thân trong gia đình làm nông nghèo ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cha mẹ mất sớm. Anh chị em mỗi người một phương để kiếm kế sinh nhai. Năm 1990 ông về huyện Nhà Bè mua đất dựng một căn chòi nhỏ để ở và thuê lại ruộng của người ta để trồng lúa. Có thể nói ông là người đầu tiên đến vùng này thuê đất để trồng lúa vì lúc bấy giờ công việc làm nông ở đây đã trở nên hiếm, phần lớn chuyển sang làm nghề khác. Nhiều năm liền mùa màng thất bát, ông chuyển sang trồng hoa màu nhưng cũng thất bại… Năm 2000 ông về quê “tầm sư học đạo” và đào ao thả cá… “Chỉ trong 10 năm ở cái huyện nghèo này tôi đã di chuyển ao cá đến 7 lần. Cá vừa thả lại phải chuyển, cá sắp thu hoạch lại phải kéo… thử hỏi lấy gì mà ăn”. Ông Tư thở dài ngao ngán.
Đến với nghề khảo sát địa chất không đơn giản tay ngang là làm được mà phải học qua trường lớp, là kỹ sư, ít ra cũng đã tốt nghiệp trung cấp địa chất. “Yêu nghề mới theo nổi từ công trình này đến công trình khác, ăn bờ ngủ bụi quanh năm, có khi vợ sinh mà cũng không có mặt. Làm nghề này có tiền thật nhưng lại thiếu thốn đủ thứ, đêm lại nằm giữa đồng trống hiu quạnh, quán xá chẳng có. Còn những đêm mưa gió thì khỏi phải nói, có khi đang nằm ngủ thì bị gió tốc mái lán trại, phải dầm mưa để khắc phục, mấy đứa mới theo nghề khóc hoài à”, anh Thắng nói.
Anh Nguyễn Văn Kiên, tổ trưởng kỹ thuật khảo sát địa chất thuộc Trung tâm công nghệ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Khu đất rộng nên cũng phải du canh du cư, khoan lấy đất ở hố đào này xong thì lại chuyển cả máy móc, lều trại sang hố đào khác”. Anh Kiên nhẩm tính: “Xong khu đất này phải có ít nhất 100 lần du cư cho tất cả 4 máy và 4 lán trại. Nhóm của anh đang lấy mẫu đất để phân tích độ lún cho dự án xây dựng khu nhà ở Phước Kiển, đã hơn tuần nay mà công việc cũng mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Dũng, 21 tuổi, thợ phụ tâm sự: “Thiếu nước tắm ngay ở Sài Gòn này mới khổ. Hôm nào trời mưa thì hứng để dành còn không phải tìm kênh rạch để tắm…”.
Ông Thành (Bình Trị Đông, Bình Tân) thuộc loại khấm khá nhất nhì trong phường nhưng lại thích cuộc sống du canh, du cư chỉ vì “Tui không thích sống kiểu đi thưa về trình với vợ con”. Để thỏa mãn ý thích của mình, ông Thành về xã Phong Phú huyện Bình Chánh thuê đất vườn để trồng cây kiểng. “Tôi sẽ nhân giống nhiều loại lan, mai mốt còn chuyển về Hóc Môn nữa. Lâu lâu về thăm nhà một lần vậy mà vui, ở nhà đi ra đi vào hoài cũng chán lại thêm đau bệnh”, ông Thành phân trần.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)