Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải mùa trẩy hội với xúng xính "đuôi gà cao", chúng tôi đã có một hành trình "đổi gió" với chuyến đò đêm và một góc nhỏ dân dã, khác biệt ở suối Yến – chùa Hương.  

Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Buổi sáng trong lành – Ảnh: Bằng Giang 

Cách trung tâm Hà Nội trên dưới 40km đường, nhưng chạy xe trên quốc lộ 21B hướng về chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) giờ tan tầm thật là một chặng đường không dễ dàng. Bởi thế, chúng tôi đã tới trễ so với lời hẹn cô chú Vĩnh – Hằng, chủ một trong những căn nhà hiếm hoi nằm ngay bên bờ cầu Hội, suối Yến đến cả giờ.

Suối Yến đêm "sắp" rằm

Nếu đâu đó phía lễ hội chùa Hương còn có những lời phàn nàn thì tiếp cận chùa Hương với hành trình “đổi gió”, bạn hoàn toàn cảm thấy yên lòng. Như thể được về quê.

Đã từng đi đò trên suối Yến khi trời nhập nhoạng tối nên tôi không cảm thấy sợ khi tới bến đò ở chùa Long Vân – Cây Khế lúc 7g tối.

Đêm mười ba, trăng chiếu vằng vặc trên bầu trời, soi mình dưới dòng nước, những căn nhà im ỉm hắt ra chút ánh sáng mờ ảo của bóng điện, những con thuyền gối đầu lên bờ như say ngủ. Bạn đồng hành khẽ khẽ ngân một câu thơ “Trải bao thỏ lặn ác tà/ Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm” (Truyện Kiều, Nguyễn Du) khiến tôi thoáng rùng mình.

May lúc ấy chú Vĩnh dong thuyền tới.

Chiếc thuyền chầm chậm lướt đi trên dòng suối trong vắt, đêm nhưng dùng đèn pin nhỏ rọi xuống nhìn rõ cả rong rêu. Hai bên bờ những đỉnh núi sẫm tối in hình trên nền trời, cây cỏ lặng yên, thoáng có chút gió, tiếng mái chèo khỏa nước. 

Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
"Kìa non non, nước nước, mây mây"…  – Ảnh: Băng Giang 
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Đi trên suối Yến một đêm sắp rằm – Ảnh: Băng Giang 

Mắt đã quen với bóng tối, lúc này ánh trăng cũng hiện lên ảo mộng như tấm áo bạc phủ mình lên vạn vật. Hai bên bờ suối là những đầm sen khẽ tỏa hương ngan ngát. Thi thoảng bạn hát lên đôi câu phá tan bầu thinh không tĩnh lặng, xen lẫn tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái oàm oạp vọng ra từ bờ ruộng.

Như một chuyến đò trong phiêu bồng.

20 phút hoặc hơn nữa thì tới chân cầu Hội. Từ đây có một lạch nước nhỏ rẽ vào nhà cô chú Vĩnh -Hằng, lạch nước nổi tiếng với nhiều bạn trẻ Hà thành bởi được thả rất nhiều hoa súng, vào mùa thu trở thành một studio tự nhiên tuyệt đẹp để chụp những bộ ảnh để đời.

Mấy hôm trước khi gọi điện, cô Hằng bảo đang mùa hạ mà hoa súng nở nhiều đẹp lắm. Chưa kể xung quanh nhà toàn đầm sen, dù đã cuối mùa nhưng hoa vẫn nở nhiều và thơm. Muốn ăn hạt sen, ngó sen, củ sen qua đợt nắng nóng mấy hôm thì đầy.

Thuyền rẽ qua cổng nhà, chú Vĩnh dùng đèn đeo trán soi vào đám hoa súng bắt đầu hé nở dọc bên bờ, thấp thoáng lẫn cả sen và cập thuyền vào cầu ao bằng tre nhô ra trên đoạn suối.

"Khách tang hải giật mình trong cõi mộng"

Bữa tối giản dị với món vịt om sấu tuyệt ngon, bí ngô luộc, trứng rán hành và cốc chè đậu đen nấu hạt sen giải khát. Phòng tắm lộ thiên giữa vườn nhãn, cạnh đó có mấy chiếc võng mà chú Vĩnh bảo thi thoảng nằm chơi ngủ cả đêm mà "không thấy bị muỗi đốt" chắc vì quen chủ. Nói rồi chú cười ha ha sảng khoái, trong khi cô Hằng cứ băn khoăn mãi chuyện cả nhóm sao đến muộn… 

Cô chú Vĩnh – Hằng vào đây làm kinh tế đã lâu năm, xung quanh nhà có mấy đầm thả sen, lạch suối trước cửa thả hoa súng làm khu du lịch, thu tiền phí chụp ảnh, chèo đò. Rồi nuôi một chuồng gà, một chuồng vịt, đặt giỏ bắt cua, trồng vài luống rau xanh, xây một tấm phản bằng gạch lát đá cho khách ngủ lại qua đêm khi cần.

Vườn tược sạch sẽ, lá khô vun cả đống chứng tỏ chủ nhà luôn chăm sóc và dọn dẹp chu đáo. Khách đến phần nhiều là dân nhiếp ảnh, muốn săn tìm những khoảnh khắc sơn thủy hữu tình của chùa Hương, hoặc trai thanh nữ tú muốn có một bộ ảnh mùa hoa súng. 

Mùa hạ nóng nên khách vắng, đang tính làm nhà sàn du lịch nhưng cũng lo vì vùng này thỉnh thoảng ngập nước, có năm nước ngập gần tới gác lửng, chuồng gà cũng phải làm tầng và có đường dẫn, phòng có lụt thì bọn gà tự động leo lên cao trú chân.

Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Hai bên nhà là những đầm sen tỏa hương ngan ngát – Ảnh: Băng Giang
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Góc bình yên – Ảnh: Thái Anh
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Cô Hằng trên cầu ao nhà – Ảnh: Thái Anh
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Bóc hạt sen tươi để nấu chè – Ảnh: Thái Anh

Đêm muộn, cả nhóm ra cầu ao ngồi ngắm trăng. Đêm trên suối tĩnh lặng, hoa súng nở ngay dưới chân, đom đóm lập lòe dọc bụi cây, trăng khi mờ khi tỏ, lúc ẩn lúc hiện trong màn mây tạo nên một không gian huyền hoặc.

Lúc này mới thấy Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh ngâm lên như một thứ gia vị hoàn hảo cho bữa tiệc đêm sắp rằm: 

Kìa non non, nước nước, mây mây  Đệ nhật động hỏi là đây có phải  Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái  Lững lờ khe Yến cá nghe kinh  Thoảng bên tai một tiếng chày kình  Khách tang hải giật mình trong cõi mộng”.

Mùa hạ ở chùa Hương

Chuông hẹn giờ chưa điểm thì cô chú đã giục cả bọn dậy đón bình minh. Cùng lúc đám gà vịt sau vườn ồn ào chào ngày mới.

Tôi bước ra khoảng sân trước nhà. Lúc này mới nhìn rõ hai bên là hai đầm sen bát ngát, hương hoa thoang thoảng đưa, những búp sen hồng lấp ló sau tán lá, xa xa là núi non, bầu trời màu khói và những đám mây nghe chừng ướt sũng.

Lại bước lên cầu ao, thu vào tầm mắt một dải suối dài rạng ngời hoa súng nở, ấm áp và an nhiên. Nhắm mắt ngồi thiền được chừng dăm phút thì nghe tiếng chú Vĩnh hỏi có ai đi hái sen cùng.

Đầm cạn nên chú quấn chân đi ủng lội bùn, đi hái hoa về cắm, hái đài lấy hạt sen tươi về nấu chè sen. Các bạn thì lấy chiếc thuyền nhỏ chèo tay đi dọc suối ngắm buổi sớm mai đầy hương hoa và gió lộng.

Đứa đọc sách, đứa bắc bếp pha cà phê ngay bên bờ suối. Tiếng nước sôi reo lục bục nghe thật vui tai và rồi mùi cà phê tỏa hương ngào ngạt. Mùa hạ ở đây sao mà mát, không quá xa thành phố nhưng lòng như thể trốn kỹ về một miền quê nào đó…

Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Vẻ đẹp sen chùa Hương – Ảnh: Băng Giang
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Mang sen về thành phố  – Ảnh: Băng Giang
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Vẻ đẹp của hoa súng – Ảnh: Băng Giang
Đổi gió góc bình yên nơi suối Yến
Một góc lãng mạn và bình yên – Ảnh: Thái Anh
 

BĂNG GIANG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)