Sự kiện giáo dụcTin tức

Đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội: Sẽ điều chỉnh những bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Việt Đức – HN tan trường lúc 19h

Đó là khẳng định của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội (HN) Nguyễn Hiệp Thống trước những bất cập nảy sinh khi HN điều chỉnh giờ học của các trường trên địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành.
Ông Thống cho biết: Từ ngày 1-2-2012, HN đã áp dụng việc điều chỉnh giờ học và làm việc ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Cụ thể, theo Quyết định 315/QĐ-UB ngày 12-1-2012 của UBND TP việc điều chỉnh sẽ áp dụng trên các địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm; được chia theo các nhóm đối tượng như sau: Đối với cán bộ công chức công tác ở Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT thì thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều là 17h. Đối với cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường học thì thời gian làm việc hàng ngày thực hiện theo giờ học tập của học sinh (HS) và phân công của lãnh đạo đơn vị. HS các trường mầm non, tiểu học, THCS: Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc lớp học chiều vào 17h. Các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận HS từ 7h30 sáng và quản lý HS đến 17h30 hàng ngày. HS, SV các trường THPT, ĐH, học viện, CĐ, TCCN và dạy nghề: Thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày.
Như vậy sẽ có khoảng gần 900 trường với trên 600 ngàn HS của tổng số trên 2.500 trường học và gần 1,5 triệu HS trên toàn TP nằm trong diện cần thực hiện theo quyết định này (chiếm khoảng 30%), tất nhiên là các bậc học khác nhau sẽ chịu tác động ở những mức độ khác nhau.
PV: Các trường sẽ có kế hoạch trông giữ trẻ như thế nào trong khi trẻ tới giờ tan học nhưng cha mẹ công tác trong ngành dịch vụ lại phải làm việc đến 19h, thưa ông?
– Trong những ngày đầu thế này, các trường chưa thể thống kê số HS có cha mẹ công tác trong ngành dịch vụ phải làm việc đến 19h, nhưng chắc chắn so với con số các bậc phụ huynh của trên 510 ngàn HS thì đây không phải là đa số. Các gia đình sẽ phải chủ động thu xếp hoặc bàn bạc với nhà trường để có biện pháp khắc phục. Thực ra không một chính sách nào có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi đối tượng, vấn đề là trước hết cần quan tâm đến lợi ích của số đông.
Thưa ông, trong các cấp học thì cấp THPT là thay đổi nhiều nhất (HS tan học sau 19h). Như vậy Sở GD-ĐT có phải lên phương án để thay đổi cách bố trí tiết học, bố trí giáo viên cũng như thay đổi cơ sở vật chất, điều kiện học của các trường THPT không?
– Ngay sau khi TP ra Quyết định 315, Sở GD-ĐT đã có văn bản số 2958/SGD-ĐT-HSSV ngày 18-1-2012 để hướng dẫn các đơn vị thực hiện quyết định này. Chúng tôi cũng đã triệu tập trưởng phòng GD-ĐT 12 quận huyện; hiệu trưởng các trường TCCN, THPT để nghiên cứu, quán triệt quyết định của TP và yêu cầu thông báo đến từng gia đình HS. Theo đó, các đơn vị cần chủ động bố trí điều kiện cơ sở vật chất, sắp xếp lịch làm việc và học tập để thực hiện đúng quy định của TP, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ Luật GD và Bộ luật Lao động. Chúng tôi cũng yêu cầu trong những ngày đầu thực hiện quyết định, các nhà trường phải tạo điều kiện cho HS dù có bị đến muộn nhưng vẫn được vào lớp, hoặc cha mẹ đến đón muộn cũng cần có biện pháp quản lý HS.
Trong tổng số hơn 510 ngàn HS thuộc đối tượng phải điều chỉnh giờ học thì có hơn 90 ngàn em là HS THPT, trong đó có khoảng gần 40% (30 đến 35 ngàn em) học ca chiều. Với những lớp này, các trường cần đảm bảo đủ ánh sáng cho các em học tập khi trời tối. Sân trường phải bố trí đèn điện để các em lấy xe ra về…
Việc thay đổi giờ học có làm tăng áp lực học tập của HS cũng như cường độ làm việc của giáo viên không? Theo quy định, giáo viên sẽ phải đi sớm và về muộn sau khi trẻ tan học. Như vậy, họ có được tính tiền làm thêm giờ không?
Như đã nói ở trên, việc thay đổi này vẫn tuân thủ Luật GD và Luật Lao động. HS vẫn học không quá 45 phút/tiết và ra chơi, giải lao giữa giờ 10-15 phút theo quy định.
Qua vài ngày thực hiện, các bất cập đã nảy sinh. Sở sẽ giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?
– Thay đổi thói quen của một cá nhân đã khó, thay đổi nếp sinh hoạt của ngần ấy HS lại càng khó hơn. Ví dụ như HS THPT tan sau 19h sẽ phải về nhà ăn cơm rất muộn (HS THPT không phân tuyến theo phường, quận như cấp tiểu học và THCS). Hoặc với cấp THCS thì thời gian giữa kết thúc ca sáng và bắt đầu ca chiều của THCS chỉ có 15-20 phút (để ca chiều về lúc 17h) sẽ có thể gây ùn tắc trước cổng trường. Với trường hợp này, chúng tôi yêu cầu các phòng GD-ĐT (là cơ quan quản lý trực tiếp cấp học THCS) phải báo cáo UBND quận – huyện để tùy theo điều kiện cơ sở vật chất thực tế ở từng trường mà có hướng dẫn cụ thể, đề ra các biện pháp khắc phục (ví dụ trường có hai cổng thì phân luồng ra từng cổng cho mỗi ca học sáng – chiều)…
Hiện tượng ùn tắc giao thông thủ đô đã trở thành một vấn nạn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, về thời gian của toàn xã hội, gây bức xúc lớn trong dư luận. TP đã và sẽ phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có việc điều chỉnh thời gian học tập và làm việc, hầu hết các cơ sở trên địa bàn TP sẽ áp dụng và đương nhiên ngành GD không thể đứng ngoài cuộc. Quyết định của các cấp quản lý đã có, cần phải từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm túc đã, rồi trong quá trình thực hiện sẽ xem xét thực tế để điều chỉnh cho phù hợp sao cho thật sự mang lại hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)