Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đời là gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi viết về đời, trong khi hầu hết các nhà văn đều muốn chứng minh đời phải là cái này, cái kia thì Nguyễn Đông Thức lại chọn một lối đi khác. Đó là việc tác giả không mong muốn đi tìm một định nghĩa cuộc đời hay tham vọng đúc kết đời là gì. Ngược lại, nhà văn chỉ thể hiện sự muôn mặt và đầy rẫy những chuyện bất ngờ, trong đó mỗi câu chuyện là một lát cắt nhỏ của cuộc sống hôm nay.
Sau khi cuốn Đời 1 (xuất bản năm 2008 và tái bản năm 2009) được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, Nguyễn Đông Thức viết tiếp Đời 2 & Chuyện không quên với cùng một cách làm, ý tưởng nhằm tiếp tục mạch hơi thở của cuộc sống và làm “đầy” hơn chữ đời vốn mang nhiều ý nghĩa của Đời 1. Nhưng ở tập sách nàylại là những góc tối khác của cuộc đời. Như là nạn tham nhũng, hối lộ của nhiều quan chức cán bộ trong cuộc sống công nghiệp với chữ “tiền” luôn cao hơn những giá trị khác. Kiểu câu nói trứ danh của một quan bà: “Ông chồng tôi làm ra… giấy (giấy ở đây chính là những văn bằng, giấy phép có chữ ký của… quan ông) thì cũng có quyền bán giấy, y như các anh bán hàng hóa của mình. Thuận mua vừa bán. Làm cái giấy này cho anh chỉ mất có một ngày, anh nghĩ là quá đơn giản chứ gì. Nhưng phía sau đó là bao nhiêu năm lăn lộn quan trường, là bao mối quan hệ dọc ngang trên dưới” (Giấy). Hay như truyện Thi là một thế giới ngầm của mua bán, đổi chác tình tiền để đạt được hư danh trong giới showbiz – giới thường được gọi là “người của công chúng”, hay cái đau đớn ngỡ ngàng của người chồng bao nhiêu năm nuôi con kẻ khác mà cứ ngỡ… con mình (Đau) hoặc Ruồi là cuộc sống đơn độc của một người đàn ông khi đã qua thời phong lưu, hoan lạc của tuổi trẻ…
Đọc văn Nguyễn Đông Thức, dễ dàng nhận ra một điểm lạ là trong hầu hết các tác phẩm nói chung của nhà văn cũng như Đời 2 & Chuyện không quên nói riêng, từ tên sách cho đến các nhan đề mỗi truyện ngắn đều chỉ vẻn vẹn một chữ. Như Giấy, Thịt, Ghen, Chó, Ruồi, Mù, Sợ… Sự kiệm lời, kiệm chữ đến dồn nén như thế để rồi cuối cùng bật ra là một kết thúc bất ngờ, thâm thúy, khiến ta phải phì cười nhưng suy ngẫm. Đây cũng chính là phong cách riêng, định hình nên một Nguyễn Đông Thức trong lòng bạn đọc. Ngoài ra, ở Đời 2 & Chuyện không quên là sự kết hợp tinh tế giữa cái nhìn của nhà văn và nhà báo Nguyễn Đông Thức trong quan sát, thu nhặt nhiều sự việc đang xảy ra trong cuộc sống. Để rồi tác giả biến hóa, xử lý thành những truyện ngắn đơn giản nhưng thâm thúy về những màn kịch đời. Và vì vậy, chúng đủ sức lôi cuốn ta đọc một mạch, không ngừng nghỉ đến trang cuối cùng của cuốn sách.
Tuyết Dân

Bình luận (0)