Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đời lưới kéo

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị lưới kéo cho ngày mới

Không vốn liếng đóng tàu, mua sắm ngư cụ ra khơi đánh bắt, không ít gia đình làng biển bám nghề mưu sinh chỉ với đôi lưới kéo.

May mắn sống sót sau cơn bão cách đây hơn 10 năm, ngư dân Lê Văn Thái (39 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) giã từ làng biển, mong tìm một công việc khác để lo cho bản thân và lập gia đình. Nhịp đời lặng lẽ, sau bao năm bôn ba anh dừng chân ở vùng biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cũng với nghề biển.

Duyên nghiệp

“Lại biển”, câu nói gọn lỏn mà anh Thái nhắc lại với tôi, nghe não lòng lắm. Vùng biển cực Nam Tổ quốc, nơi anh có quãng tuổi thơ đẹp, có những nụ cười được mùa cá, có bạn nghề nằm lại đáy biển sâu… cũng chẳng còn một ai thân thích. Anh không thể giấu một khoảng lặng khi nhắc đến người thân của mình. Chôn cất người thân xong chưa lâu, anh Thái vào Bà Rịa – Vũng Tàu làm ăn theo gợi ý của người bà con. Ở đó, anh kinh qua bao nghề, từ chạy xe ôm, làm bảo vệ rồi cũng trở lại nghề bạn biển. Anh chia sẻ: “Như có duyên nghiệp, bao lần lên bờ, có công việc làm ổn định nhưng rồi cũng theo nghề biển”. 

Không phải biền biệt ngày tháng trên những chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ như trước, phương tiện đánh bắt chỉ là đôi lưới kéo, anh Thái thuê thêm một người để làm cùng, đến nay cũng đã ngót 8 năm theo nghề.

Thủy triều xuống cũng là thời điểm bắt đầu ngày làm việc của ngư dân lưới kéo. Lưới dài hàng trăm mét, thậm chí lên đến 1.000m được hai người giữ hai đầu, giăng xa theo hình vòng cung rồi kéo, thu hai đầu lại vào bờ. Hai thanh niên có thân hình vạm vỡ, cơ bắp săn chắc hì hục kéo lưới trước những đợt sóng liên tục dội vào bờ. Thành quả sau bốn lần kéo của anh Thái và bạn nghề  chỉ khoảng 1kg mực ống và mớ cá vụn. Thời gian nghỉ trong ngày là quãng thủy triều lên cao. Với anh Thái, thời gian đó anh chạy xe ôm đưa rước vài mối quen để tăng thu nhập. 

Ngư dân theo nghề lưới kéo

Ở thời điểm mực ống có giá, thương lái thu mua khoảng 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để kiếm được 200.000 đồng/ngày không dễ. Theo anh Thái, ngày mưa bão không phải lo lắng vì ghe tàu lênh đênh trên biển nhưng cũng không dễ kiếm cơm. Có hôm hì hục kéo hết đợt này đến đợt khác nhưng chỉ bắt được vài con. Là dân biển chính gốc nhưng thực tế không phải ai cũng bám trụ với nghề bởi công việc rất cực, thu nhập còn tùy thuộc vào thời tiết.

Có chút lanh lợi, chị Nguyễn Thị Hồng vừa phụ chồng là anh Nguyễn Tèo kéo lưới vừa làm dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Tùy ngày mùa, đặc sản mà anh chị kiếm được từ những mẻ lưới có khi là mực ống, tôm hoặc ốc bán cho du khách với giá bình dân, bao gồm cả chi phí chế biến. Lưới kéo không đủ bán, chị Hồng ra bến mua mỗi thứ một ít về bán lại kiếm chút đồng lời. “Biển đẹp, khách du lịch về đông trung bình kiếm khoảng 300.000 đồng/ngày”, chị Hồng khoe. Chị Hồng tự hào về hai đứa con của mình: “Đứa lớn đang học năm thứ hai ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH KH TN TP.HCM. Đứa nhỏ đang học lớp 9, học giỏi lắm, đòi học bác sĩ. Nghề này dễ bị lao lực nhưng mong con cái có cái nghề chứ không cực khổ như chúng tôi”. 

Ngày lên rừng, đêm xuống biển

Sống ở quanh biển Long Hải nhưng không ít gia đình lại theo nghề nông. Có người mới thấy quẩn quanh với con bò, con trâu đó thì lại thấy xuất hiện ở biển với đôi lưới. Gia đình chị Nguyễn Thị Nga cũng không ngoại lệ. Vừa chăn bò, chị Nga nhận đan, vá lưới để kiếm thêm thu nhập. Riêng chồng chị Nga thì ngày chăn dê, chiều lại đi bạn biển. Rồi những hôm biển giả mất mùa, hay dịp lễ tết, anh chị lại khiêng lưới ra bãi biển mưu sinh. “Ông trời thương, vào những dịp này được mùa tôm, mực nhiều lắm, lại bán được giá nên làm một đêm có thể sống cả tuần”, chị Nga chia sẻ. Thân phụ nữ trông gầy yếu vậy mà chị Nga khỏe lắm, đàn ông thanh niên thấy chị kéo cả buổi không nghĩ phải chào thua. Thế nên khi hỏi về công việc mưu sinh của người dân nơi đây, chúng tôi được trả lời: “Ngày lên rừng, đêm xuống biển”. “Xuống biển” ở đây còn được hiểu là mua bán hải sản phục vụ khách du lịch.

Số mực ống bắt được sau lần kéo lưới

Ông Nguyễn Văn Thành, lão ngư mấy mươi năm trải qua biết bao thăng trầm của nghề biển Long Hải cho biết, nghề lưới kéo chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Xuất phát từ những chuyến biển xa không hiệu quả, kiếm cái ăn tạm thời chờ ngày mở biển mà bà con nghĩ ra nghề lưới kéo. Về sau, những hộ gia đình không đủ điều kiện sắm ghe nghề đi biển thì theo lưới kéo mưu sinh. “Chỉ cần vài triệu đồng là có lưới. Hàng ngày không tốn chi phí, có điều dùng sức nhiều, thu nhập bấp bênh”, lão ngư Thành nói.

Cũng theo lão ngư Thành, mùa biển động, ghe tàu không thể ra khơi thì bạn biển cũng có thể nuôi sống vợ con bằng lưới kéo. Đâu phải nhà có ghe lớn là không cần lưới kéo, nhà nào cũng trang bị hết. Đó cũng là hình thức để nhớ về những ngày gian khó. Bạn thất nghiệp bắt cặp làm lưới kéo hoặc thuê ai đó làm cùng, công được trả theo những gì kéo được, chia theo tỉ lệ được thỏa thuận.

Dẫu biết nghề biển những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, bất trắc, dẫu vậy ai cũng ước mơ một ngày nào đó vươn khơi bằng chiếc tàu đánh cá do mình tích cóp đóng được. “Bằng mọi giá phải ra khơi, ai cũng nghĩ đến chuyện lên bờ tìm việc khác thì lấy ai đi biển, góp phần bảo vệ biển đảo”, giọng lão ngư Thành run run.

Trần Anh

 

Bình luận (0)