Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đối mặt thách thức và nhìn ra cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm các ngân hàng thế giới hàng đầu lao đao, nhưng các ngân hàng nội địa vẫn công bố lợi nhuận ấn tượng. Là đơn vị trung gian, đảm nhận “sứ mạng” thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các ngân hàng cũng tính toán hoạt động hiệu quả như một doanh nghiệp.
Chia sẻ với doanh nghiệp
Trước những công bố lợi nhuận và chỉ tiêu kinh doanh cao của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng đang đi ngược với phương châm kinh doanh của mình là chia sẻ lợi nhuận và thành công với doanh nghiệp. Trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp phải gian nan do thiếu vốn, kinh doanh ế ẩm, nhiều nơi báo lỗ, các ngân hàng vẫn ăn nên làm ra. Tuy nhiên theo ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngân hàng không chỉ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận tăng để đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông, mà còn liên quan đến an toàn hệ thống và lợi ích chung nền kinh tế.
Tư vấn dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: A. Thư
Thực tế, so với các ngành khác, ngành nhân hàng có mức sinh lời trên vốn (ROE) khá thấp, chỉ 18-20%; trong khi nhiều doanh nghiệp có ROE 50-60%. Những năm gần đây biên độ lợi nhuận của ngân hàng ngày càng bị thu hẹp do chính sách kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng không còn quá hấp dẫn so với cổ phiếu các ngành nghề khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hoạt động ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính nhưng rủi ro rất đa dạng. Nếu có sự thu hẹp đáng kể về khối lượng vốn, ngân hàng sẽ có ít nguồn lực để cho vay. Điều này gián tiếp gây ra sự suy giảm trong hoạt động kinh tế. Mặt khác, tính hệ thống và tác động dây chuyền trong hoạt động ngân hàng liên thông khá lớn, nếu một ngân hàng khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung toàn ngành.
Do vậy, trong thời kỳ hậu khủng hoảng nền kinh tế rất cần những ngân hàng mạnh để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2010 cũng được xem là cơ hội tốt để tái cấu trúc ngành ngân hàng nước ta. Các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như nợ xấu, biến động lãi suất, tỷ giá, áp lực mở rộng mạng lưới và những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của NHNN. ”Do vậy, đã đến lúc ngân hàng cần tập trung quản trị rủi ro thanh khoản, tín dụng và lãi suất. Các ngân hàng cần nâng cao khả năng dự báo và thực hiện tốt vai trò tư vấn lãi suất đối với khách hàng, giúp doanh nghiệp phòng ngừa và hạn chế rủi ro cho mình và ngân hàng” – PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, nói.
Thích ứng với thời cuộc
Nhiều chuyên gia nhận định nếu ngân hàng thực hiện thường xuyên các chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn về lãi suất với khách hàng, hỗ trợ khách hàng phát triển bền vững, sẽ được lợi nhiều hơn vì khách hàng gắn bó với ngân hàng. Ngoài ra, nếu ngân hàng có chiến lược khách hàng bài bản cũng có thể gia tăng nhanh lợi nhuận. Điều này đã được nhiều ngân hàng lớn thể hiện khi nhắm mạnh vào đối tượng khách hàng cao cấp. Các ngân hàng DongABank, ACB đã thành lập trung tâm phục vụ khách hàng VIP. Sacombank đang dự kiến phát triển dịch vụ dành cho đối tượng khá giả như tư vấn đầu tư, quản lý tài sản, liên kết ngân hàng phục vụ cho khách hàng có con em đang học tập ở nước ngoài… Các sản phẩm tiền gửi gắn kết đầu tư được dự báo sẽ triển khai mạnh trong năm nay.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng nền kinh tế các ngân hàng chỉ nên xem xét đề ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức thích hợp. Và điều cốt lõi là phải giữ lành mạnh, an toàn trong mọi hoạt động. “Để có được lợi nhuận bền vững, các ngân hàng cần khắc phục ngay những vấn đề tồn tại năm trước, cần tăng cường chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn. Các ngân hàng cần xây dựng chiến lược phát triển và hoàn thiện thể chế, nâng cao quản trị điều hành, đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm… nhằm mở rộng những dịch vụ tiện ích cho khách hàng, nhất là dịch vụ thanh toán” – ông Giàu nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy thay vì tập trung cạnh tranh ở những đô thị lớn, ngân hàng nên chớp lấy thời cơ khai phá thị phần khách hàng tiền gửi và tiền vay ở vùng sâu, vùng xa. Vốn đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng ngân hàng sẽ hoàn vốn nhanh và đó là động lực kéo cả guồng máy vào cuộc đua nhằm hoàn thiện hệ thống thanh toán. Lợi nhuận bền vững sẽ từ đó mà ra…
Cơ hội gia tăng lợi nhuận đột biến cho ngành ngân hàng trong năm 2010 có thể ít hơn, nhưng tiềm năng tăng trưởng còn rất khả quan. Thành công sẽ thuộc về những ngân hàng có chiến lược đầu tư bài bản, năng động thích ứng với thời cuộc và tận dụng mọi cơ hội trong kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề quyết định cho thành công còn tùy thuộc chính sách vĩ mô của NHNN và Chính phủ. Vì thế, nhiều ngân hàng kiến nghị Nhà nước hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, giúp các ngân hàng chủ động dự báo và đưa ra những giải pháp thích ứng.
Dịu Ngân/ SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)