Hội nhậpThế giới 24h

Đối mặt với thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành may mặc Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong năm nay do Mỹ bỏ áp dụng hạn ngạch đối với hàng Trung Quốc

Những yêu cầu về mở cửa thị trường và các hàng rào bảo hộ khác, minh bạch chính sách là những thách thức không nhỏ mà các doanh nghiệp công nghiệp đang phải đối mặt kể từ khi Việt nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chủ lực thấp thỏm
“Chưa nhận thức hết những thách thức, áp lực cạnh tranh khi hội nhập, dẫn đến việc thiếu chuẩn bị, thiếu phương án đối phó khi sản xuất kinh doanh khó khăn do phải cạnh tranh với hàng ngoại và mức thuế nhập khẩu dệt may đã giảm tới hai phần ba, xuống còn 5- 20%. Khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài thì sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn” là thừa nhận của ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) sau gần hai năm ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh “bằng vai phải lứa” với ngành dệt may của các nước khác cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong số các ngành công nghiệp thì dệt may vẫn được đánh giá là một trong những ngành có năng lực cạnh tranh khá nhất, bởi kim ngạch xuất khẩu mang lại chỉ sau dầu thô. Từ năm 2009 trở đi, khi khoảng 30% lượng dầu thô đang xuất khẩu sẽ được cung cấp cho nhà máy lọc dầu đầu tiên thì dệt may với kim ngạch xuất khẩu như hiện nay (khoảng 9 tỷ đôla Mỹ) chắc chắn sẽ vươn lên dẫn đầu trong các ngành hàng, nếu tính về kim ngạch xuất khẩu.
Trước đó, khi Việt Nam chưa trở thành thành viên WTO, những phàn nàn về việc không có thị trường, bị hàng rào hạn ngạch so với tự do xuất khẩu của các nước thành viên WTO là không hiếm từ các doanh nghiệp dệt may trong nước. Nhưng khi đó cũng đã có chuyên gia am hiểu ngành dệt may thừa nhận rằng, có hạn ngạch vẫn “sướng” hơn không có hạn ngạch vì không phải lo cạnh tranh quá gay gắt, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang lấy công làm lãi chứ không phải giải bài toán cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng.
Trên thực tế, điểm kém nhất của các doanh nghiệp dệt may cũng như với toàn ngành công nghiệp chính là thiếu công nghiệp phụ trợ nên khó chủ động được hoạt động sản xuất của mình. “Công nghiệp phụ trợ kém phát triển, 70% nguyên phụ liệu trong ngành phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá trị gia tăng không cao, thiếu linh hoạt và hạn chế khả năng đáp ứng nhanh. May xuất khẩu phần nhiều vẫn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu mốt chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, hiệu quả sản xuất thấp”, ông Ân nói.
Với thực tế này thì khi hết năm 2008, hạn ngạch dệt may mà Hoa Kỳ đưa ra với Trung Quốc áp dụng từ năm 2005 được dỡ bỏ thì khả năng cạnh tranh với dệt may Trung Quốc lại tiếp tục là những thách thức mới cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở thị trường lớn nhất này. Mặc dù Việt Nam đang đứng trong Top 5 xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ nhưng với giá trị tuyệt đối cỡ 5-6 tỷ đôla Mỹ chúng ta còn thua Trung Quốc tới cả chục lần.
“Cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi Trung Quốc được bỏ hạn ngạch và chỉ còn chịu giám sát ở mức bình thường chứ không phải cơ chế đặc biệt như Việt Nam đang chịu. Với thực tế đó thì nếu cả hai cùng được tháo khoán, Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với Việt Nam được dỡ bỏ cơ chế giám sát chống bán phá giá”, ông Nguyễn Duy Khiên – Vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay. 
Điểm kém nhất của các doanh nghiệp dệt may cũng như với toàn ngành công nghiệp chính là thiếu công nghiệp phụ trợ
Thực tế thiếu công nghiệp phụ trợ, năng suất không cao bằng Trung Quốc, Bangladesh hay Indonesia, giá nhân công không còn rẻ và mối lo thiếu hụt về nhân công luôn chực chờ đang khiến cho nhiều doanh nghiệp dệt may khó nâng cao hiệu quả sản xuất của mình cũng như thay đổi tâm lý “tạo công ăn việc làm là chính” bởi đã quá quen với việc được đặt hàng sẵn.
Ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp dệt may cũng đang phải đối phó với hàng ngoại ngập tràn, giá hấp dẫn. Đặc biệt khi mà kinh tế thế giới suy thoái, các nền kinh tế lớn đều “thắt lưng, buộc bụng” thì nguy cơ ngập tràn hàng từ các nước thứ 3 là hiển hiện, nhất là khi thị trường bán lẻ rộng mở với các doanh nghiệp nước ngoài và thuế tiếp tục có lợi cho hàng nhập khẩu.
Ngành nào cũng bị động
Trong khi các cơ quan hữu trách đang có những đánh giá thực tế về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành hàng sau hai năm gia nhập WTO thì tại không ít siêu thị, cửa hàng, số mặt hàng được nhập khẩu 100% ngày càng nhiều lên.
Cách đây một năm, dù được đánh giá là đã bắt đầu có tầm nhìn xa và rộng hơn ở một sân chơi lớn sau khi gia nhập WTO, nhưng các chuyên gia cũng không khỏi ái ngại cho những điểm yếu khó có thể khắc phục được trong một vài năm của các doanh nghiệp Việt Nam. Còn hiện tại, lạm phát cao trong nước và suy thoái kinh tế thế giới đã nhanh chóng có những tác động kép tới các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Võ Trí Thành – Trưởng ban  Nghiên cứu chính sách hộp nhập kinh tế quốc tế Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vào đầu năm 2008 đã cho hay, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết vẫn… chơi trò chơi ngắn hạn hơn là có tầm nhìn dài hạn.
Những thông tin gần đây nhất về việc Nga cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12/2008 tuy rất nặng nề và có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị xù tiền cũng như thua thiệt (vì hàng đã xuất đi rồi) nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng không phải vô cớ. Theo một số chuyên gia, đã có tình trạng một số doanh nghiệp bơm nước vào hàng thủy sản cho nặng cân và sử dụng cả những biện pháp để giữ nước trong quá trình vận chuyển!
Không những vậy, những hàng rào kỹ thuật như xuất xứ của đồ gỗ xuất khẩu hay việc cơ sở chế biến phải đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu với giấy phép do cơ quan hữu trách của nước đó cấp cũng sẽ là những rào cản mới không thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn.
“Báo cáo của UNDP về các doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu cho thấy rằng trong vài năm trở lại đây các doanh nghiệp này đã tạo ra được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ những hoạt động ngắn hạn và có thể mang tính đầu cơ. Mà khi nguồn lực đã chuyển vào ngắn hạn thì sẽ rất khó để tập trung cho dài hạn”, ông Thành nói.
Năm 2007 cũng đã chứng kiến sự mở rộng hoạt động của nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhưng không phải vào lĩnh vực sản xuất mà mình đang hoạt động mà là vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Sự lóe sáng của các hoạt động đầu cơ ngắn hạn cũng khiến các công trình điện chậm tiến độ, các mỏ than vẫn chỉ được khai thác để xuất khẩu kiếm lợi ngay…
Trên thực tế, với sự phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam gần như ở vào thế bị động mỗi khi thị trường thế giới biến động về giá. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là thực tế sản xuất của rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp đang phải chậm lại hoặc tạm dừng sản xuất hoặc vì đầu vào quá cao hoặc vì không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Nhã Văn (doanh nhân)
 
 

Bình luận (0)