“TP.HCM hiện đang phải đối diện với những vấn đề của một đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí…”, ThS. Nguyễn Cảnh Lộc – Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – khẳng định.
Lượng khí thải do xe gắn máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
ThS. Lộc cho biết, nguồn phát sinh ô nhiễm không khí của TP chủ yếu từ 3 nguyên nhân chính: hoạt động giao thông; hoạt động công nghiệp; phát sinh từ cuộc sống đô thị. Cụ thể, năm 2017, toàn TP có khoảng 7,6 triệu xe máy và 796.000 xe ô tô (chưa bao gồm xe đăng ký ngoại tỉnh hiện đang lưu thông trên địa bàn TP). Dự đoán đến năm 2020 lượng phương tiện sẽ tăng lên 9 triệu xe máy và 800.000 ô tô. Lượng phương tiện gia tăng, dự báo sẽ gia tăng khí thải, bụi trong quá trình động cơ hoạt động. Bên cạnh đó, toàn TP hiện có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp có quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hầu hết các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ với khu dân cư, khí thải từ hoạt động sản xuất hàng ngày đang gây ra ô nhiễm không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân cư. Ngoài ra, các hoạt động xây dựng và dịch vụ của TP cũng là tác nhân gây gia tăng ô nhiễm không khí.
Nói về hậu quả của ô nhiễm không khí, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan (Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM) nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm không khí đang là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và chết sớm. Cụ thể, trên toàn cầu đã ghi nhận 9 triệu ca chết sớm do ô nhiễm, chiếm 16% trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong, cao gấp 3 lần AIDS, lao và sốt rét cộng lại; gấp 15 lần cái chết do chiến tranh. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em sinh sống trong môi trường ô nhiễm không khí thì tình trạng ho và viêm phế quản cấp nhiều hơn. Ở người lớn, ô nhiễm không khí làm tăng ho, tiết đàm, tăng tần suất hen, suy giảm chức năng hô hấp. Không chỉ là nguyên nhân gây nên các bệnh thông thường, theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm không khí còn là tác nhân dẫn đến các bệnh ung thư, trong đó điển hình là ung thư phổi. Số liệu thống kê, mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 56 người mắc mỗi ngày, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong. Ước tính đến năm 2020 có tới 34.000 người mắc mỗi năm, mỗi ngày có thêm 90 người phát hiện mắc bệnh.
“Ung thư phổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân như khói thuốc lá, khói nhà bếp, khói thắp đèn, khói xe cộ, khói nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, các chất ô nhiễm trong không khí khác gồm các chất dạng vi hạt có kích thước siêu nhỏ và hóa chất dạng khí tồn tại trong môi trường mỗi ngày đều là nguyên nhân dẫn đến ung thư…”, một chuyên gia y tế cho biết.
Từ thực tế này, ThS. Lộc đề nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn theo phương thức tự động hóa; giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng; đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến metro, tuyến đường trên cao nhằm giảm lượng xe cá nhân và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường; tăng cường các mảng xanh, hồ nước…
Nhã Nam
Bình luận (0)