Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới bắt đầu từ thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia 2015 được định dạng tương tự như đề thi 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học ở 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ảnh: A.Khôi
Thi cử là để chọn lọc người tài. Thi tuyển vào ĐH là để chọn nhân tài cho đất nước. Thế nên rất cần kỳ thi này, tuy nhiên cần tổ chức nghiêm túc, chất lượng và quan trọng hơn là tùy mỗi trường và trường ở mỗi vùng mà có yêu cầu chất lượng cụ thể.
Đề thi tuyển vào ĐH nên từ 5-6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc là toán, văn, sửvà môn thuộc chuyên ngành (ví dụ, khối kỹ thuật cần thêm môn lý; khối sinh hóa cần thêm môn hóa…); về lâu dài cần có thêm môn tiếng Anh.
Theo tôi, thi tuyển vào ĐH nhất thiết phải có môn tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện nay trình độ dạy và học tiếng Anh rất chênh lệch ở các vùng miền trên cả nước, vì thế, trình độ học sinh không đồng đều. Do đó, trong thời gian này, môn tiếng Anh nên là môn tự chọn hoặc là môn khuyến khích. Đến một lúc nào đó, môn tiếng Anh sẽ trở thành bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh.
Đối với việc tổ chức kỳ thi THPT, mục đích chính không phải là chọn nhân tài mà là đánh giá việc hoàn tất chương trình THPT. Cho nên chỉ cần dựa vào kết quả học tập lớp 12 và cấp cho học sinh một “Giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình THPT” thế là đủ. Bằng giấy chứng nhận này, các em có thể tham gia vào tất cả các kỳ thi tuyển chọn nhân tài (ĐH, CĐ, TCCN, đào tạo nghề…) hoặc tham gia vào các hoạt động khác để tự lo cho cuộc sống bản thân. Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để chọn nhân tài là không đúng mục đích, tốn kém tiền của, mà còn gây khó khăn cho một số học sinh đã trượt kỳ thi năm trước phải học lại để thi trong lúc các em đã hoàn tất chương trình rồi. Có điều thực tế các năm qua không phải vậy, cả nước có tỉ lệ tốt nghiệp đến gần 100%. Thế thì thi làm gì và sẽ chọn được những gì?
Một điều đáng để chúng ta suy ngẫm là giáo dục hiện đã trở thành ngành kinh doanh béo bở. Hiện nay, các trường học nở rộ, từ bậc tiểu học đến bậc CĐ, ĐH thi nhau ra đời không cần chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, có nghĩa là không cần có đủ điều kiện cần thiết để đào tạo. Vấn đề cần nói ở đây là “chất lượng theo mục tiêu giáo dục”. Nhiều năm, chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ quá thấp, thấp đến khó tưởng tượng nổi. Ba môn thi chỉ cần 8-9 điểm, thậm chí còn ít hơn, nghĩa là mỗi môn thi chưa vượt quá 3 điểm (điểm dưới 3,5 – điểm liệt ở bậc phổ thông) cũng có thể thành một sinh viên ĐH. Thử hỏi chất lượng đào tạo như thế sẽ có ích gì cho việc xây dựng đất nước mai sau? Việc thừa trên 72.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân như công bố vừa qua không có gì lạ cả, đó là hậu quả tất yếu của nền giáo dục hiện nay!
PGS.TS Đoàn Văn Điện
(nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
 
Nếu quả đúng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì lẽ đương nhiên, cần đầu tư cho xứng tầm của nó. Lúc đó, chẳng cần nói, giáo dục cũng sẽ hoàn thành đúng mục tiêu của Luật Giáo dục mà Đảng và nhân dân ta mong muốn.

Bình luận (0)