Sân khấu hóa tác phẩm văn học, thực hiện dự án văn học là những phương pháp đổi mới trong bộ môn ngữ văn được nhiều giáo viên triển khai. Không quá mới mẻ song những phương pháp này đã chứng tỏ được chiều sâu và tính hiệu quả trong đổi mới giảng dạy, tiếp cận học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế qua dự án văn học
Các hình thức trên cũng thể hiện quyết tâm đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn học của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.
Phát huy năng lực, phẩm chất học sinh
Trong ngày hội “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” do Trường TH, THCS, THPT Anh Quốc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tổ chức cho học sinh khối trung học mới đây, nhiều tác phẩm văn học đã được học sinh tái hiện lại trên sân khấu kịch theo những cách rất riêng, mang đến sự thích thú cho học sinh và giáo viên nhà trường. “Vẫn là kiến thức đó song mỗi tác phẩm qua sự thể hiện của học sinh lại mở ra những không gian hoàn toàn mới mẻ, sinh động. Mặc dù đôi khi không ăn khớp hay liền mạch theo đúng nguyên bản, song vẫn thể hiện trọn vẹn, đầy đủ tinh thần và thông điệp mà các tác giả muốn truyền tải qua mỗi tác phẩm”, thầy Nguyễn Văn Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Thầy Thanh cho hay, để tạo dựng nên một tiết mục sân khấu hóa, học sinh phải thực hiện qua rất nhiều khâu, phân rõ vai trò của từng thành viên trong nhóm. Từ việc lựa chọn phân đoạn trong chuyển thể kịch bản, xây dựng kịch bản, lời thoại, phân vai để đảm nhiệm nhân vật cho đến lựa chọn trang phục phù hợp, thậm chí là âm thanh ánh sáng… “Khi được trao quyền để sáng tạo, học sinh sẽ làm mới tác phẩm theo góc nhìn và cảm nhận của các em khiến giáo viên đôi lúc phải ngạc nhiên, dù vẫn giữ nguyên mẫu nhân vật. Ở một vài trường hợp, sự sáng tạo của các em còn mở rộng ra thêm bối cảnh không gian, thời gian, tích hợp thêm yếu tố lịch sử vào trong môn học. Sự sáng tạo đó còn thể hiện qua trang phục, tạo hình, ngôn ngữ… Như vậy, rõ ràng từ phương thức tưởng như cũ kỹ này nhưng đã giúp phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học theo đúng tinh thần, mục tiêu của giáo dục hiện đại”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Tổ ngữ văn – CLB Văn học của Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) cũng vừa tổ chức thành công chuyên đề ngoại khóa “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”. Bước ra ngoài tác phẩm văn học quen thuộc, qua phương pháp đóng vai, trải nghiệm sáng tạo, các nhân vật trở nên sống động, có hồn từ sự thể hiện của học sinh. Những thông điệp gửi gắm còn được sáng tạo, mang hơi thở của thời đại mà học sinh đang sống. “Sân chơi văn học được tổ chức cho tất cả các khối lớp trong trường, mỗi lớp sẽ đăng ký tham gia một tiết mục. Các tiết mục tiêu biểu nhất được nhà trường trao giải nhất, nhì, ba và khuyến khích. Vượt ra ngoài một sân chơi thuần túy, các tiết mục của học sinh đã thực sự thổi làn gió mới trong việc học và cảm thụ tác phẩm văn học, thúc đẩy quá trình đổi mới dạy và học trong môn học”, đại diện CLB Văn học nhà trường bày tỏ.
Bằng hình thức đóng vai, trải nghiệm, đại diện CLB Văn học nhà trường cho hay, học sinh được trực tiếp học và cảm thụ tác phẩm theo một cách rất riêng, được phát huy khả năng diễn xuất của bản thân. Từ sân chơi này, giáo viên phát hiện ra những học sinh có năng khiếu hoạt ngôn, biểu diễn, để lựa chọn tham gia các hoạt động của trường hoặc định hướng các em theo các ngành nghề liên quan đến năng khiếu của mình.
Bước đệm thực hiện hiệu quả chương trình mới
“Sách ơi mở ra” là dự án văn học được cô Lê Thị Thanh Vân và cô Lê Thị Hồng Mai (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng học sinh các lớp 12A4, 12A6, 12A9, 12A11, 11B7 trong trường thực hiện. Dự án với hình thức thể hiện như triển lãm, trình chiếu, thuyết trình, trình diễn, làm tập san, thiết kế mô hình, vẽ tranh về tác phẩm văn học là cơ hội để học sinh thể hiện năng lực, sở trường từ đó tự tin, sáng tạo hơn. “Mục tiêu mà dự án hướng đến là chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực học sinh thông qua kiến thức, giúp các em rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, tự học, sáng tạo…”, cô Thanh Vân cho hay.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên hóa thân thành các nhân vật văn học
Theo cô Thanh Vân, dự án đồng thời cũng là cầu nối thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường. Đặc biệt là cách thức đổi mới bộ môn hữu hiệu nhất, giúp học sinh say mê hơn trong môn học, là bước đệm để giáo viên chủ động trong việc tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Ngay cả việc thực hiện thời trang tái chế cũng là cách các em học ngữ văn. Việc đổi mới bộ môn gắn liền với các vấn đề thực tế, mang hơi thở của thời cuộc”, cô Thanh Vân cho biết thêm.
Đi cùng với quá trình đổi mới giảng dạy môn học còn là quá trình đổi mới kiểm tra, đánh giá theo năng lực của học sinh, căn cứ vào quá trình mà học sinh tham gia trong hoạt động đổi mới. Thầy Nguyễn Văn Thanh nhận định, chính sự đồng nhất trong đổi mới giảng dạy và đổi mới kiểm tra, đánh giá môn học được thực hiện trong nhà trường là cách để từng giáo viên, từng nhà trường đón đầu chương trình mới, chủ động chuyển đổi, thích ứng với chương trình mới. “Nếu như chương trình hiện hành chú trọng nội dung thì chương trình mới chú trọng phát triển năng lực. Chính sự đổi mới qua các phương pháp giáo dục tích cực sẽ giúp giáo viên trở nên quen tay hơn khi đổi mới, dễ dàng bắt nhịp khi chương trình mới triển khai”, thầy Thanh nói.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)