Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đổi mới cách học sử

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số hơn 100 trường ĐH-CĐ đã công bố điểm thi, điều dễ nhận thấy ở các trường là ít điểm 10, phổ điểm từ 5 – 8 rải rộng hơn nhưng cũng có quá nhiều điểm thấp. Kết quả thi này vẫn hứa hẹn một mùa tuyển sinh đầy căng thẳng, nhất là với những trường tốp dưới. PV đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 về những vấn đề liên quan.
Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn sau giờ thi môn Sử. Ảnh: MAI HẢI
 PV: Thưa ông, kết quả điểm thi ĐH năm nay thấp hơn nhiều so với các năm, điều đó có bất ngờ?
Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Tới thời điểm này, kết quả điểm thi ĐH hoàn toàn đúng với dự kiến của Bộ GD-ĐT khi chỉ đạo ra đề thi. Đó là đề thi sẽ có sự phân hóa cao để có kết quả là ít điểm tuyệt đối. Như vậy, phổ điểm sẽ chuyển dịch về khoảng giữa, tức là từ điểm 5, 6, 7 sẽ nhiều hơn các năm. Đây cũng là thực tế điểm thi năm nay của các trường tốp trên, tốp giữa: Số điểm tuyệt đối ít nhưng số điểm trung bình lại nhiều. Vì thế cơ bản là các trường này có điểm chuẩn không giảm so với các năm. Về bình diện chung, điểm thi năm nay chia thành 2 giới hạn rất rõ ràng: Điểm tuyệt đối, điểm rất thấp ít đi; điểm trung bình nhiều lên.
Với phổ điểm như ông vừa phân tích, dự kiến điểm sàn năm nay sẽ ra sao?
Điểm sàn không thể thấp hơn năm ngoái, vì thực tế điểm của các trường tốp trên, tốp giữa vẫn rất cao.
Hiện nay, khá nhiều trường tốp dưới, các trường ngoài công lập cho rằng bộ cần hạ điểm sàn, nếu không các trường này sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu?
Cần nhận rõ một thực tế là chỉ những thí sinh học lực quá yếu mới dự thi vào những trường tốp dưới hoặc kể cả có dự thi những trường cao hơn thì điểm thi cũng quá thấp. Hội đồng điểm sàn luôn tính toán để bảo đảm những thí sinh có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên có cơ hội vào học đại học. Chắc chắn thí sinh chỉ cần đạt điểm trên sàn là trúng tuyển. Việc các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập lo không đủ nguồn để tuyển đủ chỉ tiêu là không đúng. Hội đồng điểm sàn luôn tính toán để số thí sinh trên điểm sàn rất dư so với chỉ tiêu, tức là nguồn tuyển của các trường luôn dư so với chỉ tiêu được giao.
Năm nay nhiều trường có điểm thi thấp đến ngỡ ngàng, như ĐH Hà Hoa Tiên thủ khoa khối A chỉ đạt 12,5 điểm. Trường ĐH dân lập Hải Phòng có tới 63% thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt dưới 10 điểm… Ông có nhận xét gì về kết quả này?
Theo tôi, những trường có quá ít thí sinh dự thi thì không nên tổ chức thi. Hoặc những trường mà sau nhiều năm tổ chức thi có kết quả quá thấp thì cũng không nên tổ chức thi. Thay vào đó nên tổ chức xét tuyển. Như tôi đã nói, Hội đồng điểm sàn luôn bảo đảm nguồn tuyển dư thừa so với chỉ tiêu, vì vậy các trường này nên xét tuyển.
Có một thực tế đáng buồn là điểm thi các môn xã hội tiếp tục thấp, nhất là môn Sử. Nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn Sử dưới điểm trung bình. Đâu là nguyên nhân và giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đề Sử theo nhận định của giới chuyên môn là tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức một cách có hệ thống chứ không thể học vẹt, học tủ. Nhiều năm gần đây, năm nào các môn xã hội cũng khó đạt điểm cao, tôi cho rằng có lẽ do cách dạy – học các môn xã hội hiện nay có vấn đề. Vì vậy, chủ trương của Bộ GD-ĐT trong những năm tới là thay đổi cách dạy và học các môn xã hội cũng như cách thi các môn này để bảo đảm kết quả tốt hơn. Thay vì dạy và học môn xã hội quá chú trọng chi tiết, số liệu, ngày giờ, sự việc như hiện nay, dạy và học các môn xã hội, trong đó có môn Sử tới đây sẽ theo hướng để học sinh nắm những kiến thức cơ bản, như vậy sẽ dễ học, dễ thi hơn.
Theo Phan Thảo
(sggp) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)