Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới cách tuyển sinh ở các trường sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh đang làm bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Ảnh: I.T

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 và 2018, điểm tuyển của các trường sư phạm (SP) quá thấp. Dư luận xã hội xôn xao, bức xúc là rất đúng. Song, sự thật thì không phải đến kỳ thi “hai trong một” – 2017, 2018 điểm tuyển vào các trường CĐ-ĐH SP mới bộc lộ, mà hiện tượng điểm xét truyển (đầu vào) thấp – sự thật đã xuất hiện từ vài chục năm qua. Do đó, phải đổi mới cách tuyển sinh và đào tạo ở các trường SP (CĐ-ĐHSP).

Giáo viên (GV) là nhân vật trung tâm của nhà trường. Không có GV giỏi, thì nhất định không có HS giỏi, không có chất lượng GD-ĐT tốt. Các trường SP (CĐSP và ĐHSP) đào tạo ra GV cho các cấp học phổ thông và cung cấp một số lượng giảng viên không nhỏ cho các trường CĐ-ĐH nói chung. Trường SP là “máy cái” của ngành GD-ĐT; nghề dạy học là một nghề đặc thù (vừa mang tính khoa học cao, khích lệ óc sáng tạo của HSSV, vừa là trường nghiệp vụ dạy nghề dạy học, lại vừa mang tính chất nghệ thuật (GV phải biết giảng dạy một cách lôi cuốn, hấp dẫn người học). Do đó, SV các trường SP phải có chất lượng tốt toàn diện so với SV tất cả các loại trường khác! Cho nên, đổi mới cách tuyển sinh ở các trường SP để tuyển chọn và tạo ra đội ngũ GV (các cấp) có chất lượng tốt – có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhằm thực hiện yêu cầu của công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” như Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đề ra.

Theo tôi các trường SP trong cả nước cần được tổ chức, sắp xếp lại để không dàn trải, thiếu thí sinh, chất lượng đào tạo yếu kém như mấy chục năm nay. Các trường SP phải được tuyển sinh theo cách riêng, độc lập thực hiện kỳ thi tuyển sinh theo phương án “3 chung” như những năm trước đây. Phương án “3 chung” là phương án tốt nhất và khoa học nhất cho việc tuyển sinh ở tất cả các trường ĐH!    

Theo tôi không nên duy trì kỳ thi “hai trong một” – vì ngay từ khi ra đời, kỳ thi này đã chứng tỏ sự lúng túng trong việc tổ chức thi cử của Bộ GD-ĐT và bộc lộ quá rõ sự yếu kém về tính khoa học; đồng thời lại làm phiền toái, rắc rối cho việc tuyển sinh.

Cần tư duy một cách khoa học, nhạy bén và thông minh rằng: Không có quy định gì là “bất di bất dịch” cả – một khi nó không còn phù hợp với thực tiễn! Ngay các bộ luật và cả hiến pháp nữa, để sát hợp với tình hình mới, thì đều cần nhanh chóng chỉnh sửa, thay đổi về một số “điều” nào đó. Việc này không phải chỉ có ở nước ta, mà là quy luật của tất cả các quốc gia trên thế giới xưa nay. Thật vậy, ngay từ năm 1947, khi viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết, chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” (“Sửa đổi lối làm việc” – NXB Trẻ và NXBCTQG, in năm 2005, trang 36)!

Tuyển sinh vào các trường SP cũng nằm trong quy chế tuyển sinh các trường ĐH-CĐ nói chung; nhưng có đặc thù: Thí sinh vào các trường SP phải có một số tố chất, để sau này có thể đảm đương nhiệm vụ “trồng người” nặng nề nhưng rất cao cả của người thầy giáo.

Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy: ít có HS loại khá và giỏi-thực-chất-dự thi vào các trường SP (nguyện vọng 1), mà hầu hết thuộc loại học lực trung bình, thậm chí là non yếu ở các trường phổ thông. Các thí sinh khối C lại càng hiếm những HS khá, giỏi. Về đạo đức, chữ viết, phát âm và hình thể của các thí sinh SP cũng chưa được quan tâm đúng mức trong khâu tuyển sinh. Và, theo một thống kê mới đây: 70% số GV không có năng khiếu SP!

Yêu cầu đối với thí sinh các trường SP và hình thức thi tuyển:

Về học lực, phải từ trung bình khá trở lên (yêu cầu này không khó khăn gì); riêng ba môn thuộc khối thi (A, B, C, D theo các kỳ thi trước đây) phải có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên. (Ví dụ: vào các khoa tự nhiên (trước đây gọi là khối A, thì điểm môn toán phải đạt từ 6,5 điểm trở lên; vào các khoa xã hội (khối C cũ), thì điểm thi môn xã hội phải đạt từ 6,5 điểm trở lên). Về hạnh kiểm, phải là loại tốt.

Phải tổ chức sơ tuyển thí sinh, trước khi thi chính thức ba môn. Trong kỳ sơ tuyển, các trường SP cử các GV có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trung thực để kiểm tra, đánh giá các thí sinh về năng lực SP, gồm: chữ viết (viết tay, tuyệt đối không tuyển thí sinh chữ viết xấu và cẩu thả), về phát âm và đọc văn bản (không tuyển thí sinh nói lắp, nói ngọng, đọc ấp úng), đồng thời quan sát về hình thể, để loại ra các thí sinh có dị hình, dị dạng, ăn mặc lố lăng. Thí sinh đạt yêu cầu của kỳ sơ tuyển, mới được dự thi chính thức ba môn (thi viết, không thi vấn đáp và trắc nghiệm). Bộ GD-ĐT nên tổ chức chấm chung, hoặc chấm chéo, và phúc khảo chung, hoặc phúc khảo chéo cho tất cả các trường ĐH-CĐ – để tránh tiêu cực (chạy tiền để đỗ, hoặc “ưu tiên” con em cán bộ cấp trên và cán bộ – GV trong trường), đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Xin lưu ý rằng: Vài chục năm nay, những điều tôi trình bày trong kỳ sơ tuyển, thì các trường SP lại tiến hành sau khi thí sinh trúng tuyển, được gọi nhập học. Làm như thế, là ngược quy trình, sẽ dẫn đến tiêu cực, nể nang, kiểm tra qua loa cho xong chuyện.

Đổi mới chế độ tiền lương cho GV SP, sao cho xứng đáng với “nghề cao quý nhất” – nghề “trồng người”. Học bổng của SV SP và mức khen thưởng bằng tiền cho SV SP giỏi phải cao hơn các trường CĐ-ĐH khác! Nhà nước nên nâng cao tiền lương cho GV nói chung (lương nhà giáo hiện nay quá thấp) và đảm bảo chế độ thâm niên lâu dài. Riêng GV SP phải có phụ cấp cao hơn các trường khác. Chế độ học bổng cho SV SP phải được nâng lên. Nên có chính sách ưu tiên rõ rệt cho SV SP giỏi – thực – chất. Việc tiếp nhận SV tốt nghiệp các trường SP vào dạy ở các trường học cần có chế độ ưu đãi, vô tư, tránh những biểu hiện tiêu cực

Tích cực đổi mới các trường SP về mọi mặt, tiến tới có một vài trường SP có đẳng cấp khu vực và thế giới – chính là chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT từ cái gốc. Đấy là đòn bẩy hữu hiệu và kỳ diệu để nâng cao chất lượng GD-ĐT nước nhà.

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính ĐH Hải Phòng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)