Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới căn bản và toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.11.
Ảnh: Như Hùng

Mùa thu, mùa tựu trường đã đến!

Đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm đầu triển khai kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 và chiến lược phát triển GDĐT đến 2020 theo tinh thần Thông báo 242 của Bộ Chính trị. Bộ và Sở GD-ĐT cũng vừa tổ chức hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học mới. Chủ đề tập trung của nhiệm vụ năm học là “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo”. Bộ và sở đã đề ra hàng loạt các giải pháp có tính đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Trong hệ thống các giải pháp của bộ, điểm nhấn quan trọng là thực hiện ngay việc giảm tải nội dung chương trình và cải tổ công tác kiểm tra, đánh giá. Hai mặt này cần thực hiện song song, đồng bộ vì có tác động qua lại với nhau. Giảm các nội dung có tính hàn lâm, không thiết thực nhưng coi trọng các nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức, năng lực sáng tạo và kỹ năng thực hành… Cải tiến công tác thi cũng theo hướng giảm tải và thực chất.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra một số biện pháp cụ thể, khả thi, thể hiện tính tiên tiến. Đó là củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục ở các ngành học, bậc học; không để tồn tại trường học yếu kém về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm; mở rộng số lượng trường tiên tiến, đạt chuẩn ở các quận huyện; hoàn thành đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; khởi động đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh; tăng cường hoạt động văn thể mỹ và giáo dục kỹ năng sống trong HSSV…
Để đổi mới “căn bản và toàn diện” cũng không thể không đề cập đến vai trò người học. Người học với vai trò là chủ thể của quá trình nhận thức không thể thụ động ngồi nghe, ghi chép và học thuộc. Đổi mới nội dung chương trình luôn kèm theo đổi mới phương pháp dạy học và trang thiết bị. Thành phố đã và đang áp dụng thành công mô hình dạy học cá thể hóa. Người thầy giữ vai trò hướng dẫn, người học tự lực tìm hiểu, tiếp cận kiến thức, dần dần bỏ hẳn cách dạy thầy đọc trò chép thụ động.
 

Học sinh Trường Tiểu học Trương Quyền, Q.3 đón năm học mới với ngôi trường mới. Ảnh: T.L
Các báo vừa đăng chân dung và phương pháp học tập của hàng trăm thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2011. Mẫu số chung làm nên đỉnh cao thành tích của các thủ khoa là sự tự học và ý chí. Hầu hết các em không thuộc gia đình giàu có, ở đô thị lớn, học thêm nhiều… Trong số 5 thủ khoa 29,5 điểm Đại học Y dược TP.HCM thì cả 5 đều ở tỉnh, gia cảnh khó khăn: Lê Minh Khiết (kiêm thủ khoa ĐH Ngoại thương TP.HCM) ở Quảng Ngãi, Nguyễn Trường Thịnh (kiêm thủ khoa ĐHKHTN – ĐHQG TP.HCM) ở Đồng Tháp, Nguyễn Tấn Phong ở Quảng Nam, Huỳnh Thanh Tùng ở Long An, Dương Thanh Hùng ở Vĩnh Long…
 Hiện các trường, các cơ sở giáo dục cũng đang đối đầu với nhiều thách thức: giá cả leo thang; dịch bệnh tràn lan; các loại tệ nạn xâm nhập nhiều hơn trong giới trẻ… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần phải đầu tư kinh phí nhiều hơn cho các hoạt động phòng chống. Hiện nhà trường không được phép thu tăng. Đã vậy, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục năm nay cần phải cao hơn năm trước… Thử thách, khó khăn đó cần được tháo gỡ.
Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh – thành phố anh hùng trong thời kỳ đổi mới, chắc chắn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học sẽ tháo gỡ được khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện công tác quản lý, dạy học và giáo dục tại các nhà trường.
LONG PHỤNG SƠN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)