Theo TS. Huỳnh Công Minh,đào tạo, bồi dưỡng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ là vô cùng cần thiết. Ảnh: N.Anh
|
Coi sự nghiệp GD-ĐT nguồn nhân lực là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng.
So với yêu cầu hội nhập quốc tế, GD nước ta còn nhiều bất cập. Để không tụt hậu, chúng ta cần phải đổi mới căn bản và toàn diện GD nước nhà. Về mặt xã hội, đổi mới căn bản và toàn diện GD có thể được đề cập ở ba khía cạnh, đó là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
Đổi mới về mặt tư duy
Nhận thức về GD cần phải đổi mới một cách đồng bộ từ các nhà khoa học GD đến các cấp quản lý và toàn xã hội. Phải đổi mới mạnh mẽ từ mục tiêu cung cấp kiến thức sang cung cấp năng lực, phải chuyển từ giá trị khoa bảng sang giá trị thực tế, người học phải có khả năng hòa nhập và làm chủ cuộc sống, có trình độ tư duy, kỹ thuật và thấm đậm tính nhân văn. Dạy học phải dạy cách học thay vì tập trung nhồi nhét kiến thức…
Những quan điểm, nhận thức vừa nêu hoàn toàn không mới nhưng cách thể hiện nhận thức ấy trong hệ thống GD, nhà trường và hệ thống giá trị xã hội chưa nhất quán. Những đổi mới có được thường xảy ra cục bộ, từng phần, thiếu thống nhất, thiếu căn cơ. Từ đó dẫn đến những khó khăn, cản ngại làm chậm tiến độ phát triển và làm lệch lạc định hướng chung, làm giảm niềm tin đối với trường lớp và thầy cô giáo, nhất là khi GD nước ngoài có chiều hướng xâm nhập mạnh mẽ đang muốn phủ nhận GD trong nước.
Đổi mới công tác đầu tư
Cơ cấu đầu tư GD cần phải được minh định rõ ràng trên cơ sở đầu tư “đủ” cho nhà trường hoạt động. Sự tách biệt giữa mục tiêu yêu cầu đòi hỏi và mức độ đầu tư dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhà trường từ sự giảm sút động lực dạy và học của thầy và trò đến sự giới hạn về chất lượng, hiệu quả, tính trung thực vốn có. Thực tế, Đảng đã có chủ trương xã hội hóa GD từ lâu. Xác định cơ cấu đầu tư GD bao gồm nguồn ngân sách và sự góp sức từ các lực lượng xã hội và gia đình thông qua một phần học phí trong trường công lập và đa dạng hóa trường lớp, mở rộng các trường tư thục. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là cơ cấu đầu tư, thực tế chưa được xác định, tỷ lệ đầu tư của Nhà nước và nhân dân chưa rõ ràng. Ngay cả khi khái niệm “đủ” trong đầu tư cũng chưa được xác định. Nhà quản lý thường phải chấp nhận và tạm bằng lòng khi ngân sách cấp đủ định mức hành chính theo khả năng phân bổ của Nhà nước, không theo yêu cầu thực tế cuộc sống.
Xác định cơ cấu đầu tư GD, trước hết phải tính đến khả năng và định mức cống hiến của giáo viên, tạo điều kiện cho người giáo viên – nhân tố quyết định chất lượng GD – đảm bảo cuộc sống trên các phương diện: ăn, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh và nuôi con. Đồng thời đảm bảo các điều kiện dạy – học cho thầy và trò tùy theo mức độ chất lượng yêu cầu đòi hỏi. Về yêu cầu hội nhập, nhà trường phải được đầu tư theo hướng thiết kế mới, tiếp cận quốc tế, sĩ số thấp, học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường. Trên cơ sở ấy mà xác định đối tượng đầu tư, mức độ đầu tư từ nguồn ngân sách, còn lại là tỷ lệ đầu tư từ xã hội.
Đổi mới tổ chức quản lý
Tổ chức quản lý GD cần tập trung: Thứ nhất,xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ – Hệ thống văn bản pháp quy GD được thể hiện cao nhất ở các văn kiện của Đảng, của Quốc hội, của các bộ ngành liên quan và của Bộ GD-ĐT. Hệ thống văn bản này trong thời gian qua chưa đồng bộ về nội dung, về thời gian và cách tổ chức thực hiện nên hiệu lực không những không cao mà còn giẫm đạp, trì kéo lẫn nhau. Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên nghiệp – Lực lượng quản lý GD và giáo viên xuất thân từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau, môi trường hoạt động cũng rất chênh lệch, lao động của lực lượng bị chi phối bởi kinh nghiệm, thói quen, nếp cũ. Nếu có đổi mới thì đó cũng chỉ là cục bộ, riêng lẻ, dễ bị lấn át, cản trở. Chính vì thế mà sự đào tạo, bồi dưỡng, chuyên nghiệp hóa đội ngũ là vô cùng cần thiết. Thứ ba, tổ chức bộ máy hoạt động khoa học, hiệu quả – Để đổi mới quản lý GD một cách căn bản, cần phải xem xét lại hệ thống tổ chức sao cho khoa học và hiệu quả nhất. Hết sức tránh sự trùng lắp, giẫm chân về chức năng nhiệm vụ giữa vĩ mô và vi mô, tạo thế ỷ lại làm chậm tiến trình đổi mới, mất sức lực, kém hiệu quả. Ở Trung ương, Hội đồng quốc gia GD là một tổ chức rất quan trọng, là nơi tham mưu giúp Nhà nước thiết kế chương trình, mô hình đào tạo để ngành quản lý Nhà nước, thanh tra, thẩm định; nhà trường thi công, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá.
TS. Huỳnh Công Minh
(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bình luận (0)