Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới chế độ học phí: nghĩa vụ và quyền lợi

Tạp Chí Giáo Dục

Lời tòa soạn: Việc điều chỉnh học phí (HP) nằm trong đề án tổng thể "Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2009-2014" của ngành GD-ĐT đã được Chính phủ, các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội, các sở GD-ĐT, trường ĐH đóng góp để hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn có ý kiến cho rằng tăng HP vào thời điểm này là chưa phù hợp, mức HP được tính bằng 6% thu nhập của hộ gia đình là quá cao, tăng HP liệu có tăng chất lượng, tăng HP có khiến cánh cửa trường ĐH mãi sẽ khép lại với học trò nghèo… Lắng nghe ý kiến của xã hội, đề án một lần nữa được chỉnh sửa và hôm nay 25-5 sẽ được báo cáo lần cuối với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trước khi trình Quốc hội vào ngày 30-5. Bắt đầu từ số báo này, báo Hànộimới khởi đăng loạt bài nhằm góp phần làm rõ hiện trạng và lý do phải đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT hiện nay, cũng như những căn cứ để xây dựng chế độ HP mới.
Bài 1: Cơ chế tài chính trong GD-ĐT – Cấp thiết đổi mới
Ngành giáo dục cũng rất cần được xã hội chia sẻ gánh nặng kinh tế. Ảnh: Nguyệt Ánh
Xác định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua, Nhà nước đã dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể để đầu tư cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm thì cơ chế tài chính của GD-ĐT vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kỳ bao cấp. Vì thế, đổi mới cơ chế tài chính là một yêu cầu bức thiết. Đổi mới với mong muốn huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô. Đó cũng chính là mong muốn và đòi hỏi của xã hội đối với ngành. Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là đầu tư của ngân sách cho GD-ĐT, hiện vẫn chưa thống nhất, một phần là do chưa có cái nhìn tổng thể về cơ chế tài chính.
Chi ngân sách cao nhưng định mức chi thấp
Khi đánh giá về việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho GD-ĐT trong những năm qua, có người đã cho rằng, kinh phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Thực tế thì, từ năm 2001 đến 2007, chi NSNN cho giáo dục tăng qua mỗi năm, với tỷ trọng trong GDP tăng từ 4,1% lên 5,6%. Song, do GDP của nước ta thấp, trong khi cơ sở vật chất của ngành còn hết sức thiếu thốn, chỉ nói riêng về cơ sở vật chất tối thiểu là phòng học thì năm 2006 vẫn còn 38% số phòng bán kiên cố, 10,6% phòng học tạm; đời sống giáo viên còn rất khó khăn với lương bình quân thấp nhất là giáo viên mầm non 1,6 triệu đồng/tháng, cao nhất là giảng viên CĐ, ĐH là 2,5 triệu đồng/tháng… nhưng phải đáp ứng quy mô giáo dục tăng từ 22 triệu năm 2000 lên 23 triệu năm 2006, đồng thời lại phải nâng cao chất lượng. Nếu so sánh tỷ trọng chi ngân sách cho GD-ĐT của nước ta với các nước thì thuộc loại cao nhưng do GDP bình quân trên đầu người còn rất thấp nên số tiền chi cho 1 HS, SV tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ chỉ bằng 1/4 Thái Lan, 1/8 Hàn Quốc, 1/11 Nhật Bản, 1/10 Đức, 1/16 Mỹ. 
Luôn phải đối mặt với mâu thuẫn rất lớn trên nhưng trong nhiều năm qua, dẫu chất lượng GD-ĐT chưa được như đòi hỏi của xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước song cũng phải đánh giá khách quan rằng, ngành GD-ĐT đã đạt được một số kết quả. Quy mô giáo dục tăng, chất lượng được cải thiện và theo số liệu thống kê lao động việc làm tại Việt Nam năm 2005 thì lao động có trình độ CĐ, ĐH có việc làm chiếm 95,8%, còn theo khảo sát của 61 cơ sở giáo dục đại học thì tỷ lệ sinh viên ra trường chưa có việc làm thấp, khoảng 7%. Có thể nói, ngành GD-ĐT đã có đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế, xã hội để công cuộc đổi mới đất nước đạt được những kết quả như những năm qua.
Quản lý phân tán không đánh giá được hiệu quả đầu tư
Đầu tư cho GD-ĐT hiện từ các nguồn: NSNN (cả công trái giáo dục, vay nợ, viện trợ) và ngoài NSNN (học phí, thu dịch vụ khoa học công nghệ…) trong đó ngân sách chiếm 78,2% và là nguồn chủ yếu và có ý nghĩa quyết định nhất.
Tuy nhiên hiện nay, theo phân cấp quản lý thì UBND các tỉnh, thành phố quản lý các cơ sở GD-ĐT trực thuộc, trong đó có 125 trường ĐH, CĐ, chiếm tỷ lệ 33,9% tổng số trường; các bộ, ngành khác quản lý 180 trường ĐH, CĐ chiếm 48,8%; Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý 54 trường, chiếm 14,6%. Đồng thời, theo Luật Ngân sách, Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý và điều hành bình quân từ 4,3% đến 5,8% tổng chi NSNN cho GD-ĐT; các tỉnh, thành phố quản lý từ 74% đến 79%; các bộ, ngành khác quản lý phần còn lại, từ 16,4% đến 21,2%.
Thực tế trên cho thấy, phương thức phân bổ và quản lý tài chính hiện nay khiến cho việc quản lý, giám sát nguồn NSNN cho giáo dục còn nhiều bất cập. Việc kiểm tra, phê duyệt quyết toán thu chi hằng năm là trách nhiệm của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý tài chính đồng cấp, không có quy định chế độ báo cáo với Bộ GD-ĐT về việc sử dụng NSNN dành cho GD-ĐT. Vì vậy, Bộ GD-ĐT không quản lý ngân sách toàn ngành, thiếu thông tin để tổng hợp, theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư của NSNN cho lĩnh vực này.
Phần lớn chi cho thanh toán cá nhân
NSNN đầu tư cho giáo dục tăng từ 19.747 tỷ đồng năm 2001 lên 54.798 tỷ đồng năm 2006. Năm 2007, Chính phủ đã dành 20% chi ngân sách cho GD-ĐT. Nhưng 81% đến 83% số tiền này dành cho chi thường xuyên gồm chi thực hiện các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia, lương và các khoản có tính chất lương. Trong số kinh phí dùng để chi thường xuyên này thì phần chủ yếu, chiếm từ 86,6% đến 91,6%, là để thanh toán lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, học bổng cho HS, SV. Kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ, phục vụ cho giảng dạy học tập chỉ chiếm từ 8,4% đến 13,4%. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu chi tiêu tài chính của ngành thì để đáp ứng yêu cầu tối thiểu, nhằm đạt mức chất lượng trung bình, 2 phần chi này phải có tỷ lệ 70% – 30% đối với khối phổ thông và 50% – 50% đối với khối đào tạo.
Ngân sách của ngành cho chi thường xuyên phải dành phần lớn chi cho việc thanh toán cá nhân. Phần còn lại của ngân sách được dùng cho "chi khác" đã ít, chỉ chiếm từ 11,2% đến 13,4%,  nhưng 45% số này lại là chi của các bộ, ngành trung ương cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Riêng năm 2006, số tiền phục vụ cho mục đích này lên đến 2.755 tỷ đồng, bằng 56,4% chi NSNN cho ĐH, CĐ. Những con số trên cho thấy, số kinh phí dành cho mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, sửa chữa trường lớp… còn lại ít nên tình trạng " học chay, dạy chay" diễn ra phổ biến, cơ sở vật chất trường học xuống cấp nghiêm trọng và kéo dài, nhất là ở miền núi, vùng dân tộc và những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Vài nét phác thảo cơ bản trên phần nào vẽ nên "bức tranh" cơ chế tài chính trong GD-ĐT. Nó lý giải vì sao cần phải đổi mới để "góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục" như kết luận của Bộ Chính trị ngày 15-4 vừa qua về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII.      
Kim Thoa (Hà Nội mới)
(còn nữa)
Hà Nội dự kiến có 5 mức học phí mới
Tại cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với 63 sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố và gần 370 hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tổ chức ngày 23-5, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội sẵn sàng và sẽ đề nghị được thực hiện thí điểm đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014.
Dự kiến, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ trình HĐND TP quy định 5 mức học phí phù hợp với khả năng và thu nhập của các hộ gia đình. Thứ nhất với đối tượng học sinh diện rất nghèo, gia đình chính sách sẽ miễn hoàn toàn học phí và còn cấp thêm tiền (khoảng 73.000 đồng/em) để mua sắm các vật dụng tối cần thiết: cặp, sách vở… không để trẻ thất học vì không có tiền đi học. Mức thứ hai là các xã miền núi ở vùng Hà Nội mở rộng thì miễn học phí hoặc đóng với mức rất thấp. Mức thứ ba là học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp, mức thu cũng rất thấp, tương đương như mức học phí hiện nay là: 20.000 – 30.000 đồng/học sinh/tháng. Mức thứ tư là học sinh khu vực ngoại thành có thể từ 70.000 đến 90.000 đồng. Mức thứ năm là học sinh khu vực nội thành, có thể từ 100.000  đến 120.000 đồng. Như vậy chính sách học phí mới sẽ không thay đổi và có lợi hơn với các gia đình nghèo, chỉ thay đổi với các gia đình có khả năng của thành phố.
Bà Hồng Nga nhấn mạnh: Mức học phí thời gian qua được xây dựng từ năm 1998 đến nay đã quá bất cập. Từ 2004 đến nay, Nhà nước quy định giao lấy từ nguồn thu học phí để chi trả lương nên các trường rất khó khăn trong việc đầu tư hỗ trợ giảng dạy, từ đó phát sinh ra nhiều khoản thu không có trong quy định. Vì thế Hà Nội xin làm thí điểm thực hiện đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
Bà Hồng Nga cũng kiến nghị 2 điểm. Thứ nhất: để bảo đảm công bằng trong giáo dục, trong đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014 cần quy định rõ: "Ngân sách nhà nước phải hỗ trợ các trường ở vùng khó khăn" vì các trường này không có hoặc có rất ít nguồn thu từ học phí do đa số con em gia đình nghèo. Thứ hai: để khuyến khích học sinh học nghề và phân hóa nhiều hơn trong đề án cần bổ sung quy định: "Các địa phương tùy vào khả năng và nhu cầu có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề từ bậc THCS".

Bình luận (0)