Trong chương trình mới, môn ngữ văn sẽ đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung, cách xây dựng chương trình cho tới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm hướng tới hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Tiết học đổi mới của bộ môn ngữ văn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) theo hướng sân khấu hóa |
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khẳng định, đổi mới chương trình không có nghĩa là làm lại từ đầu mà phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành.
Lộ trình đổi mới bộ môn
Về mục tiêu môn học, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe). Thông qua việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp mà giáo dục tâm hồn, nhân cách và khả năng sáng tạo văn học của học sinh; đồng thời góp phần phát triển các năng lực khác như thẩm mỹ, tự chủ, giải quyết vấn đề sáng tạo… mà chương trình tổng thể đã đề ra. Trong đó, năng lực giao tiếp ngôn ngữ là trục tích hợp để xây dựng xuyên suốt cả 3 cấp học.
Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng chương trình được tiến hành theo một quy trình khác cách làm truyền thống. Trước hết cần xác định học sinh cần đạt hay cần có những phẩm chất và năng lực gì từ môn học này. Từ các yêu cầu cần đạt này mới xác định những nội dung cần dạy, tức là dạy cái gì về kiến thức. Như thế chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả thì mới được lựa chọn vào chương trình ngữ văn mới. Chương trình sẽ được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây.
Về nội dung, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình THCS và THPT hiện hành. Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo bằng cách chỉ quy định một số nội dung cốt lõi và một số tác phẩm bắt buộc, còn lại đưa ra một danh sách gợi ý để các tác giả SGK và giáo viên tự chọn sao cho phù hợp với điều kiện và đối tượng người học, phát huy được sự sáng tạo.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, về phương pháp giảng dạy, môn ngữ văn sẽ chuyển từ việc giáo viên giảng về tác phẩm là chính sang việc giáo viên trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm là chính để các em biết cách đọc và có thể tự đọc. Nói cách khác, thay vì giáo viên giảng cho học sinh về các tác phẩm thì với chương trình môn ngữ văn mới, giáo viên chỉ trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu. Đây sẽ là một yêu cầu mới về phương pháp giảng dạy đối với môn ngữ văn.
Xác định yêu cầu đổi mới
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đề nghị, để thống nhất và đáp ứng yêu cầu giáo dục của môn học, chương trình nêu lên các yêu cầu của việc lựa chọn văn bản tác phẩm, cụ thể là: thứ nhất, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực, trước hết là năng lực giao tiếp (đọc, viết, nghe và nói) của học sinh. Thứ hai, phù hợp với đối tượng học sinh ở từng lớp học, cấp học. Thứ ba, có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Thứ tư, chú trọng các ngữ liệu phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc và nhân loại. Thứ năm, xét trên tổng thể, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại, vùng miền, khu vực và các thời đại. Thứ sáu, độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Số lượng văn bản, tác phẩm cần dạy không nhiều để dạy kỹ, sâu và giúp học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học. Thứ bảy, đánh giá học sinh qua “sản phẩm” đọc, viết, nói và nghe.
Thay đổi triệt để phương pháp dạy học Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, điều giáo viên cần thay đổi nhất với môn ngữ văn vẫn là phương pháp dạy học và đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Cần chuyển từ phương pháp dạy học truyền thụ áp đặt một chiều sang phương pháp dạy học phát triển năng lực. Riêng ở môn ngữ văn là năng lực giao tiếp, năng lực văn học, theo đó chuyển cách đánh giá ghi nhớ máy móc, rập khuôn sang cách đánh giá ưu tiên sáng tạo, tôn trọng ý tưởng mới và cách trình bày độc đáo… Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu là một khó khăn, thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay. |
Trong chương trình mới, phương pháp kiểm tra, đánh giá đối với môn ngữ văn sẽ thay đổi theo hướng đánh giá đúng được năng lực ngữ văn của học sinh. Mục tiêu của việc đánh giá sẽ được điều chỉnh theo hướng trước hết là giúp giáo viên và nhà trường nắm được năng lực của từng học sinh, biết được học sinh của mình đang ở đâu và tiến bộ như thế nào qua từng giai đoạn, sau đó mới nhắm đến việc cho điểm để xếp loại, khích lệ, khen thưởng. Hình thức và nội dung đánh giá là tất cả những cách thức có thể phục vụ cho việc đánh giá năng lực đọc, viết, nói, nghe, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy của học sinh. Thậm chí, cách viết nhật ký, sổ tay văn học, facebook của học sinh cũng có thể là một “sản phẩm” để xem xét, đánh giá. Các câu hỏi đánh giá không kiểm tra trí nhớ của học sinh về những kiến thức hay nội dung cụ thể mà phải dựa vào hệ thống các yêu cầu cần đạt đối với đọc, viết, nói và nghe. Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản – tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh.
“Về cách làm có thể linh hoạt, chỉ cần có chương trình dự thảo là có thể hình thành đề cương SGK, trong quá trình thiết kế chương trình môn học, người ta cũng đã phải hình dung ra hình hài của SGK để bổ sung, điều chỉnh và giúp cho chương trình có tính khả thi”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống dự báo.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)