Lắng nghe những góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mấy ngày qua, chúng tôi nhận thấy điều đáng mừng là có nhiều tiếng khen hơn tiếng chê.
Các ý kiến tâm đắc với việc xác định chương trình (CT) giáo dục (GD) phổ thông gồm hai giai đoạn cơ bản và hướng nghiệp; là cách tiệm cận với các nền GD ưu tú thế giới; phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay. Các môn học được thiết kế khá hợp lý cho từng cấp học. Đặc biệt với chủ trương tăng môn học tự chọn cho thấy CT GD đã chú trọng đến việc hình thành năng lực người học, tạo thuận lợi cho công tác hướng nghiệp. Một ưu điểm khác của CT mới là số môn học về kỹ thuật, công nghệ được tăng lên đáng kể; đây là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhiều phụ huynh được hỏi cũng bày tỏ đồng tình khi mục tiêu hướng đến của CT mới là hình thành 6 phẩm chất (yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên/xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ và năng lực thể chất) ở người học. Đây là vấn đề mà CT hiện hành chưa làm tốt hoặc còn khá mờ nhạt nơi học sinh (HS).
Tuy nhiên, các góp ý cũng cho rằng để triển khai thực hiện CT GD phổ thông mới nói trên trước hết cần phải có đội ngũ giáo viên (GV) có chuyên môn giỏi và một tâm thế khao khát đổi mới. Về vấn đề này, phát biểu trong chuyến làm việc tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định bộ đã có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại GV cũng như đào tạo GV mới sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của CT mới. “Không chuẩn bị tốt đội ngũ GV thì không thể thực hiện tốt CT GD phổ thông mới” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Dư luận đặt niềm tin vào công tác chuẩn bị tích cực của Bộ GD-ĐT trong việc triển khai CT mới mà theo kế hoạch sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2018-2019. Dẫu vậy, vẫn còn không ít băn khoăn. Như chúng ta đã biết, để xây dựng các phẩm chất, năng lực nói trên cho HS là việc không hề dễ dàng. Nó không chỉ đòi hỏi GV phải giỏi về chuyên môn mà còn đòi hỏi phải có môi trường, điều kiện làm việc để GV làm tốt nhiệm vụ. Chẳng hạn để rèn cho HS năng lực tự học thì trước hết phải giảm hoặc chấm dứt học thêm của các em. Đó là vấn đề rất khó hiện nay. Chúng ta chỉ có thể làm tốt khi đảm bảo rằng CT không quá nặng nề và môi trường học không có học thêm “tự nguyện”. Điều này buộc công tác quản lý GD trong nhà trường phải khác trước. Hoặc việc xây dựng năng lực sáng tạo cho HS trong khi chưa thể thoát ly được với các bài văn mẫu áp xuống từ người dạy. Vì bản thân người dạy cũng chưa thoát được cách truyền thụ cũ do áp lực thi đua, thành tích… Rõ ràng cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác quản lý chuyên môn của GV mới có thể làm tốt các nhiệm vụ trên.
Tới đây cả nước sẽ triển khai thực hiện một CT nhiều bộ sách giáo khoa. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là một thuận lợi cho GV trong việc tìm tài liệu làm phong phú thêm cho bài giảng của mình. Tuy nhiên, hiện nay với sự quản lý chuyên môn “cứng” có cho phép GV quyền quyết định chọn bộ sách ưng ý cho riêng mình hay phải phục tùng chỉ đạo của cấp trên. Ngoài ra, tính dân chủ trong trường học chưa cao như dư luận đang đặt ra liệu có đảm bảo “không gian” cho hoạt động sáng tạo của GV.
Nói tóm lại, Bộ GD-ĐT cần bổ sung hoặc thêm vào CT hành động đổi mới GD-ĐT một hợp phần đổi mới quản trị trong các trường phổ thông, có vậy mới bảo đảm thực hiện thắng lợi CT GD phổ thông mới.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)