Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới chương trình – sách giáo khoa: Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị được gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: I.T
NQ88 về đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) đã được Quốc hội thông qua. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa có công văn yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương triển khai nghị quyết này. Vậy Bộ GD-ĐT đã và đang làm gì để thực hiện yêu cầu đổi mới CT-SGK trong thời gian tới?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trong chỉ đạo chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã giúp giáo viên (GV) bắt đầu làm quen dần với cách dạy và học phù hợp định hướng đổi mới ngay trên CT và SGK hiện hành. Đó thực chất là những hoạt động tạo năng lực HS giải quyết vấn đề thực tiễn trên cơ sở vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả việc tận dụng hoàn cảnh để giải quyết được vấn đề cụ thể. Những phương pháp dạy học như: Giải quyết vấn đề, “bàn tay nặn bột”, nghiên cứu khoa học, mô hình trường học mới… đang được triển khai, cũng chính là nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp trong đổi mới. Ngành GD-ĐT đã bắt đầu giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho nhà trường, khuyến khích các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn thông qua dự giờ, phân tích bài học, rút kinh nghiệm lẫn nhau mà không cần xếp loại giờ dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá HS… nhằm tạo điều kiện cho GV yên tâm đổi mới. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp GV, coi đó là căn cứ cho hoạt động bồi dưỡng GV thường xuyên, là những mức thang định ra nội dung, tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ của GV so với yêu cầu nhiệm vụ mới.
PV: Đó là những yêu cầu, những bước khởi động để Bộ GD-ĐT hướng tới đổi mới CT-SGK. Vậy còn đội ngũ các chuyên gia, những người sẽ làm nên CT, bộ SGK sắp tới, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị tới đâu, thưa ông?
Hiện nay lực lượng xây dựng CT đang bắt tay vào việc. Khâu thiết kế CT tổng thể đã cơ bản xong, cần triển khai thêm một số vấn đề cụ thể nữa để hoàn thiện, làm căn cứ cho việc xây dựng CT từng môn học và các hoạt động giáo dục khác. Nhìn chung, các chuyên gia đều có kiến thức bộ môn tốt, chỉ cần bổ sung kiến thức về CT và phương pháp sư phạm, nhất là về những vấn đề mới như: Đặc điểm và yêu cầu của CT tiếp cận phát triển năng lực HS, xác định và vận dụng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông (GDPT) vào CT của từng cấp học, môn học…
Thời gian qua, các trường sư phạm đã bắt đầu vào cuộc, tìm hiểu những vấn đề thuộc về CT, SGK GDPT mới. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các đề án, dự án trong GDPT, qua đó từng bước tổng kết, rút kinh nghiệm các cải tiến, các giải pháp mới để hỗ trợ cho quá trình đổi mới CT đào tạo sinh viên của trường sư phạm.
Lần đổi mới CT-SGK từ năm 2000, chúng ta đã đưa ra mục tiêu đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức. Tuy nhiên, chúng ta đã thất bại. Lần đổi mới này, chúng ra cần rút kinh nghiệm gì từ lần đổi mới trước?
Cốt lõi của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Luật Giáo dục đã xác định mục tiêu GDPT là phải trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của HS, đồng thời phát triển khả năng riêng của từng HS nhưng khi thực thi cụ thể thì lại không thật sự bảo đảm được yêu cầu đó. CT GDPT hiện hành đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn đào tạo nhân lực cho sự nghiệp đổi mới đất nước ta trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn mọi người nghĩ rằng, năng lực của người học được hình thành một cách đơn giản từ kiến thức, kỹ năng; nếu có đủ kiến thức, kỹ năng thì tất yếu sẽ có đủ năng lực, mà chưa thấy rõ đầy đủ các yếu tố cấu thành và các yêu cầu cần có của quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Cách hiểu về giáo dục toàn diện cũng chưa thật đúng và chưa thật sự quan tâm đúng mức mục tiêu phát triển tiềm năng riêng của từng HS. Những hạn chế nêu trên thể hiện ngay từ khi lựa chọn nội dung và cách cấu trúc nội dung giáo dục, áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục… Nội dung dạy và học nặng về trang bị, ghi nhớ được nhiều kiến thức; chưa thật sự coi trọng yêu cầu vận dụng kiến thức một cách tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.
Đáng chú ý, điểm quan trọng nhất trong đổi mới GDPT lần này không phải là thay đổi mục tiêu giáo dục mà là thay đổi cách tiếp cận, cách thực hiện mục tiêu giáo dục đã được quy định trong Luật Giáo dục. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng CT GDPT mới, cần quán triệt mục tiêu, quy định nội dung và thiết kế nội dung giáo dục; xác định các hình thức, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Một trong những điểm mới nhất trong nghị quyết lần này là một CT có nhiều bộ SGK với việc các tổ chức, cá nhân có thể tham gia. Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn thẩm định SGK dựa trên các tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên, các tiêu chí chưa được ban hành một cách chính thức. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành chính thức tiêu chí để đánh giá SGK và ban hành quy trình thẩm định, tiêu chí chọn người vào Hội đồng quốc gia thẩm định… Các tiêu chí yêu cầu CT và SGK sẽ bảo đảm nội dung của từng môn và cấp học; gợi ra và hỗ trợ được phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá theo định hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện năng lực tự học của HS; bảo đảm tính liên thông, tích hợp.
Bộ GD-ĐT sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân viết SGK bình đẳng với các tác giả viết SGK do bộ tổ chức biên soạn. Quá trình tập huấn viết SGK sẽ được triển khai chung cho tất cả các tác giả, bất kể dù họ sẽ viết SGK nào. Bộ sẽ hướng dẫn việc xây dựng và góp ý đề cương SGK trước khi tác giả viết chính thức để tránh rủi ro về chất lượng sách. Việc thẩm định sẽ do Hội đồng quốc gia thực hiện, dựa trên các tiêu chí đã được ban hành sẵn, công khai từ trước, cho nên quá trình thẩm định sẽ công bằng. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ quy định, hướng dẫn quy trình và cách thức chọn SGK ở trường phổ thông dựa trên ý kiến GV, tham khảo ý kiến của phụ huynh, HS, nhà khoa học… Như vậy, việc viết SGK là dựa trên những tiêu chí công khai, được công bố trước; việc sử dụng bộ SGK nào không phải do Bộ GD-ĐT gợi ý, cho nên các tác giả viết SGK do bộ tổ chức hay do các nhà xuất bản tổ chức đều phải bảo đảm chất lượng, các tiêu chí công bằng như nhau.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Chương trình GDPT mới sẽ phù hợp với thực tiễn hiện có
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, CT GDPT mới phải phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện có và việc phát triển của đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của HS. Khi đổi mới, cần thiết kế nội dung, áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến để HS tăng cường tự học, vận dụng kiến thức tổng hợp giải quyết vấn đề; kiến thức được lựa chọn chỉ cần đủ để tư duy, hình thành ra phương pháp tự học, sáng tạo và hình thành ra năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việc dạy học trên lớp phải tăng cường các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường, nhất là các hoạt động trải nghiệm cuộc sống để bảo đảm yêu cầu giáo dục tình cảm, đạo đức, niềm tin; bảo đảm phát triển các kỹ năng chung cần cho cuộc sống hiện đại và phát triển năng khiếu riêng về nghệ thuật, thể thao… của HS.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)