HS TP.HCM tìm sách giáo khoa tham khảo để hỗ trợ cho chương trình học. Ảnh: Q.Huy
|
Ngày 8-3, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UB VHGDTNTN& NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015.
Tại hội nghị, Thường trực UB VHGDTNTN&NĐ đã lắng nghe các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý, nhà giáo cùng góp ý xung quanh các nội dung tờ trình của Bộ GD-ĐT về việc đề nghị ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT-SGK GDPT.
Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi cũng đã đề nghị các chuyên gia tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào 5 chủ đề, bao gồm:
Quan điểm về dạy học phân hóa và dạy học tích hợp; phương thức dạy học phân hóa đối với GDPT ở nước ta trong giai đoạn tới và phương án tích hợp trong chương trình GDPT sau 2015.
Quan điểm về một chương trình chuẩn với khối kiến thức chuyên sâu của từng môn học để học sinh lựa chọn và dành tỷ lệ thời lượng nhất định cho giáo dục lịch sử, văn hóa mỗi địa phương vùng miền.
Việc đa dạng hóa SGK và tài liệu dạy học (một chương trình nhiều SGK cho mỗi môn học; sách, tài liệu tham khảo).
Về các điều kiện đảm bảo thực hiện CT-SGK sau năm 2015; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý; đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật… nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện CT-SGK mới sau năm 2015.
Quy trình và lộ trình thực hiện triển khai đổi mới CT-SGK GDPT sau 2015.
Tất cả những ý kiến đóng góp tại hội nghị đều tán thành việc phải đổi mới CT-SGK theo hướng tích hợp cao ở bậc tiểu học, THCS và phân hóa mạnh ở bậc THPT. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ – cho rằng: “Giải pháp xây dựng thì đã nêu rõ rồi, song giải pháp cho việc triển khai tổ chức thực hiện mới nói đến trách nhiệm của Bộ GD-ĐT chứ chưa nói đến trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương”. Bởi theo PGS.TS Tâm Đan thì “Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT chủ yếu thuộc về chuyên môn, trong khi đó các vấn đề về cơ chế tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất lại thuộc về Bộ Tài chính và chính quyền địa phương các cấp”.
Chương trình học nặng, các kỳ thi căng thẳng, do vậy học sinh luôn bị áp lực với việc học. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT dân lập Thanh Bình (TP.HCM) ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: A.Khôi |
Còn GS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – thì cho rằng việc đổi mới GD-ĐT phải tiến hành theo thứ tự logic: Đầu tiên phải xác định hệ thống giáo dục theo hướng đổi mới, chính vì vậy cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết đồng thời về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và phê duyệt Đề án đổi mới chương trình và SGK chương trình cũng phải phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân đó. Tức là cơ cấu hệ thống có trước, CT-SGK có sau và xây dựng trên cơ sở hệ thống đó, có như vậy mới nhất quán.
Còn theo ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết, hiện nay chúng ta vẫn xây dựng chương trình học ở mức “chương trình khung + chuẩn kiến thức, kỹ năng” chứ chưa có chương trình chi tiết. “Với mức độ miêu tả chuẩn như ở chương trình tổng thể GDPT mà bộ đang xây dựng hiện nay rất khó có cơ sở thực hiện thống nhất”, ông Thuyết nhận định.
Thay vì thế, theo GS. Thuyết “Cần xây dựng một chương trình học chi tiết, qua đó giáo viên học sinh sử dụng chương trình này như một bộ SGK để dạy và học. Trên cơ sở chương trình đó, giáo viên có thể bổ sung các tài liệu dạy học khác phù hợp với yêu cầu về kiến thức kỹ năng được quy định trong chương trình và phù hợp với tình hình cụ thể của từng học sinh lớp mình phụ trách”.
Về SGK, nhiều ý kiến tại hội nghị tán đồng quan điểm cho rằng nên có nhiều bộ SGK sử dụng cùng một lúc, và mỗi vùng miền cần có một bộ sách riêng để phù hợp với năng lực, điều kiện. Về vấn đề này, GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng nên có nhiều bộ SGK, và Bộ GD-ĐT chỉ cần xây dựng một bộ sách quy chuẩn, mỗi địa phương, cá nhân, vùng miền có thể căn cứ vào chương trình khung, độ quy chuẩn của bộ SGK mẫu do bộ phát hành để xây dựng bộ sách cho riêng mình, với điều kiện là phải có sự kiểm duyệt nội dung của bộ.
Cũng xung quanh vấn đề viết SGK, PGS. Văn Như Cương cho rằng phải có các “trại viết sách” tập trung, có như vậy giữa những người tham gia viết sách mới có sự trao đổi, tập trung để có một bộ sách tối ưu nhất.
“Bộ sẽ tiếp thu tất cả những góp ý của các chuyên gia, và điều này sẽ được thể hiện cụ thể ngay trong nội dung đề án cũng như trong các bước triển khai thực hiện cụ thể trong thực tế”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Thiên lam
Bình luận (0)